Đà Nẵng: Tăng cường công tác bảo tồn Voọc Chà vá chân nâu ở Sơn Trà

Voọc Chà vá chân nâu được xem là báu vật của bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), nhưng ngày càng có nhiều tác động đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của loại động vật quý hiếm này.
ktx-bao-ton-vooc-cha-va-st-2-1696571987.jpg
Voọc Chà vá chân nâu là báu vật của bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, cũng như của Việt Nam. Ảnh: Lâm Thông.

Bán đảo Sơn Trà là nơi tập trung số lượng cá thể Voọc Chà vá chân nâu lớn nhất trên thế giới với hơn 1.300 cá thể. Đây được xem là “vương quốc” của loài linh trưởng vô cùng quý hiếm này.

Voọc Chà vá chân nâu nằm trong danh mục bảo tồn mức cao nhất trong sách đỏ Việt Nam. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới cũng xếp loài này vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện. Tuy nhiên, đi đôi với mức độ quý hiếm, thì mức độ các hành vi tác động vào rừng. Đặc biệt là đặt bẫy, săn bắt trái phép cũng ngày càng tăng cao. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như số lượng cá thể vốn có của Voọc Chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà.

Trước tình trạng trên, các lực lượng chức năng địa phương thường xuyên tuần tra, truy quét nhằm bảo vệ các loại động vật hoang dã nói chung và Voọc Chà vá chân nâu nói riêng. Đội tuần tra liên ngành bao gồm lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà cùng chính quyền phường Thọ Quang thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắt động vật trên bán đảo Sơn Trà.
Ông Nguyễn Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho rằng những hành động như đặt bẫy, săn bắt hay bất cứ tác động xấu nào cũng ảnh hưởng đến quần thể Voọc Chà vá chân nâu.

Việc bảo vệ nghiêm ngặt và tạo môi trường sống bền vững cho loài động vật đặc hữu này là nhiệm vụ đang được các lực lượng chức năng tại đây đặt lên hàng đầu. Ngoài các lực lượng chức năng, còn có các tổ chức tình nguyện tham gia vào công tác bảo tồn này.

Cùng với công tác bảo vệ nghiêm ngặt, Đà Nẵng đã tăng cường nhiều chủ trương, biện pháp như giới hạn hoạt động rừng tại Sơn Trà, cung cấp thêm nguồn thức ăn và xây dựng cầu cho Voọc vượt qua đường. Ngoài ra, còn đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên cho người dân và du khách để nâng cao nhận thức của họ.

Nhờ chú trong và tăng cường các công tác bảo tồn, số lượng cá thể Voọc Chà vá chân nâu sinh sống và phát triển tại bán đảo Sơn Trà ngày càng tăng. Đây là kết quả từ những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng trong công tác bảo vệ loài động vật mang tính biểu tượng này. Trong tương lai, Đà Nẵng định hướng phát triển du lịch, dịch vụ sinh thái gắn với sinh kế cộng đồng nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của cá thể Voọc, chú trọng các loại hình du lịch sinh thái, phát triển các mô hình đồng quản lý có sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Cáp Vương – Lệ Thành