Cửa khẩu Lạng Sơn: Xuất nhập khẩu nông sản nhộn nhịp trở lại

Kể từ khi Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023, hàng nông sản xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Hiện, tỉnh này đang duy trì thông quan hàng hóa qua 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam và Ga Đồng Đăng với khoảng 1.000 lượt xe xuất nhập khẩu mỗi ngày...

Tín hiệu tích cực...

Do nhu cầu về rau và trái cây của Việt Nam từ phía Trung Quốc là rất lớn nên thời điểm sau Tết Nguyên đán giá một số mặt hàng trái cây như sầu riêng, thanh long, xoài, mít…đã tăng nhẹ. Cùng với đó, tình trạng ùn ứ xe nông sản qua các cửa khẩu cũng không xảy ra.

Chỉ mất chưa đến 30 phút làm thủ tục, xe hàng chở 50 tấn mít và xoài của doanh nghiệp tư nhân Hà Trung Đức đã thông quan nhanh chóng qua của khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn mang hàng cho đối tác phía Trung Quốc.

Theo anh Hà Trung Đức: "Mọi năm vào thời điểm này thường xảy ra ùn tắc do nhiều nông sản khác như thanh long, dưa hấu, sầu riêng ồ ạt đưa lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay khu vực xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh tương đối thoáng đãng, các xe chở nông sản không phải chen chúc chờ đợi nên chất lượng trái cây khi giao cho đối tác vẫn giữ được mẫu mã tươi, ngon".

“Từ lúc xe vào trong bãi đến khi xe đi nếu nhanh là 30 phút đến 1h, nếu chậm thì tùy số lượng xe vào bãi có thể lâu hơn. Có 24 tấn mít, 26 tấn xoài lấy ở vựa trong Nam. Hôm nay có cả xe tồn lại và xe ở ngoài vào thì cũng lâu, còn thủ tục vẫn thế”, anh Hà Trung Đức cho biết thêm.

Ở chiều ngược lại, những xe hàng nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc về Việt Nam cũng tương đối thuận lợi. Nhập khẩu hơn 64 tấn hành tây về Việt Nam tiêu thụ, bà Phạm Thị Sơn, một doanh nghiệp tư nhân ở Bắc Ninh cho biết: “Để đưa nông sản vào được thị trường Việt Nam, phía đối tác Trung Quốc phải cung cấp cho doanh nghiệp đầy đủ giấy kiểm dịch thực vật, nơi sản xuất, đóng gói mới có thể làm thủ tục thông quan”.

Theo bà Phạm Thị Sơn, những xe chở rau củ phần lớn không có thiết bị làm lạnh nên việc thông quan nhanh chóng sẽ giúp rau củ không bị thối, hỏng: “Trong quá trình đi thông quan nhanh lắm, ngày nào đi về ngày đấy. Đông nhất là mùa dưa hấu, mùa xoài, xe xuất rất nhiều. Còn nhập thì trung bình, không mấy khi bị tắc nghẽn. Xe xuất khẩu do phía Trung Quốc không nhận mới tắc nghẽn, xe nhập hàng thì bất cứ lúc nào về cho nhập ngay”.

70a3118283f67b3b76b4f55f293fa6fe-1676708387.jpg

Ảnh minh họa.

Nông sản, trái cây chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu

Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay đã có trên 1.360 lô hàng hoa quả các loại với gần 220.000 tấn đã được xuất khẩu qua 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hơn 1 tháng rưỡi qua, quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt gần 23.000 tấn với giá bán tăng khá so với trước đây (giá hiện tại từ 80.000-100.000 đồng/kg, trong khi giá cuối năm 2022 khoảng 70.000 đồng/kg).

Tại Cửa khẩu Tân Thanh, từ ngày 1/1 đến ngày 13/2/2023, đơn vị hải quan đã làm thủ tục xuất khẩu cho 827 lô hàng hoa quả với gần 155 nghìn tấn, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch đạt hơn 48 triệu USD.

Ông Phùng Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, mặc dù hoạt động xuất khẩu nông sản đã cơ bản được khôi phục trở lại song việc xuất nhập cảnh của con người vẫn bị nước bạn kiểm soát chặt chẽ dẫn đến phát sinh rất nhiều chi phí khi vận chuyển sang Trung Quốc.

Từ tháng 1/2023, Trung Quốc đã cơ bản khôi phục lại hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua lại cửa khẩu của 2 nước, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều so với năm 2022. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Để mặt hàng hoa quả của Việt Nam xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh thuận lợi nhất, đơn vị đã đưa mặt hàng hoa quả vào danh sách loại hàng hóa ưu tiên “luồng xanh”, do vậy, không tính thời gian di chuyển từ trong bãi xe ra đến cửa khẩu thì chỉ mất chưa đến 1 phút là có thể thực hiện thông quan 1 lô hàng hoa quả, ông Phùng Văn Ba cho biết thêm.

Khuyến nghị về hoạt động xuất khẩu, ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn bày tỏ, các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cần tiếp tục chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... và nhất là xóa bỏ quan điểm Trung Quốc là thị trường dễ tính.

“Muốn vào được thị trường Trung Quốc bây giờ thì phải xem ai là người xuất hàng, hàng hóa ấy có mã vùng trồng hay không, có đáp ứng được vệ sinh an toàn thực phẩm về nhãn, mác hay không và ai là người bên Trung Quốc nhập... Bây giờ không phải như ngày xưa nữa mà cứ kéo hàng lên là có thể xuất hàng dễ dàng sang Trung Quốc”, ông Nguyễn Anh Tài nói.

Tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới diễn ra mới đây tại thành phố Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, điển hình là các trái cây chủ lực như: Thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như: Thạch đen, tinh bột sắn…

Lạng Sơn luôn xác định rõ trách nhiệm đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, luôn nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh văn minh, đồng bộ, thân thiện cho các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn.

Tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới, những tháng tiếp theo hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tại Lạng Sơn dự báo sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể, đặc biệt khi những nông sản chủ lực của Việt Nam sắp bước vào chính vụ. Ngoài cách thức truyền thống là đưa hàng lên cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc qua đường bộ, cơ quan chức năng địa phương khuyến cáo doanh nghiệp có thẻ vận chuyển hàng bằng đường sắt để tránh ùn ứ trong những giai đoạn cao điểm.
Thi Nguyên (t/h)