Nữ nhi đất Việt:

Công Chúa Ngọc Vạn, tay không mở cõi

Triều đại nào qua tay các sử gia cũng sẽ thành chuyện kể nhiều kỳ dằng dặc các cuộc chiến chinh mà quên rằng mở đầu và chấm dứt một vuơng quốc, một miền đất đôi lúc từ những mối tình.
nv-1697677639.jpg
Tháp mộ tưởng niệm Công nữ Ngọc Vạn tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Lịch sử không phải lúc nào cũng chiến tranh và gươm đao chinh phu cùng vó ngựa, đôi lúc cũng có tình yêu. Người Việt ăn lúa gạo miền Nam uống một giọt nước miền Nam đặt chân lên mảnh đất miền Nam nghe câu hò miền Nam… cần nhớ tới mối tình ấy mối truân chuyên ấy và nàng công nương ấy.

Năm 1431, vương quốc Ayuthaya (Thái Lan) xâm lăng nước Chân Lạp (Cambodge), cướp phá kinh đô Angkor mở đầu "Thời Kỳ Đen Tối" của lịch sử Cambodge. Người Khmer phải di chuyển thủ đô về Lovek 40km phía tây bắc Phnom Penh. Năm 1594, Ayuthaya lại tàn phá Lovek bắt hoàng tử Chey Chettha (1573-1628) làm con tin. Kinh nghiệm đau đớn với láng giềng Ayuthaya, Chey Chettha II nhìn về Đại Việt như một đồng minh nên dù đã có một hoàng hậu người Lào nhà vua vẫn cầu hôn một công nương của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ở Thuận Hoá.

Năm 1620, công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn xuất giá, được chính thức sắc phong hoàng hậu Chân Lạp. Bà có với Vua Chettha II hai người con không rõ hai trai hay một trai một gái. Chính sử triều Nguyễn, không rõ lý do, tuyệt đối không ghi chép gì về bà, ngoài hai chữ ai oán "khuyết truyện" có nghĩa "không có truyện". Dù chuyện vĩ đại nhất mà công nương Ngọc Vạn mang về cho triều đình Thuận Hóa, là cả miền Nam, khởi thủy từ vùng Bà Riạ.

Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn mở đầu năm 1623 khi chúa Sãi viết thư cho con rể, vua Chân Lạp Preas Cheychesda, mượn đất đặt trạm thu thuế ở hai vùng Kras Krobey (gần Bà Rịa) và Prey NoKor (tức vùng Saigon-Chợ Lớn). Vua Chetta II yêu quí vợ nên chấp thuận việc này. Đây là hai trạm đầu tiên của người Việt tại xứ Thủy Chân Lạp, mở đầu cho làn sóng di dân. Hoàng hậu có một đoàn tuỳ tùng người Việt làm quan trong triều Chân Lạp. Bà xin cho người Việt từ Ngũ Quảng đến Udong buôn bán lập làng. Bà xin chúa Nguyễn mở xưởng đóng tàu ngay tại Udong, vẫn còn di tích. Trong vòng 5 năm, người Việt tự do qua lại khẩn hoang vùng Bà Rịa. Đổi lại, chúa Nguyễn giúp vua Chân Lạp huấn luyện quân sĩ chống lại Ayuthaya.

Năm 1628, vua Chetta II mất. Thái hậu son trẻ dìu dắt hoàng tử nhỏ Chan Ponhea So làm vua. Nhưng chỉ 2 năm, Penhea So bị chú ruột giết chết. Ngọc Vạn vẫn ở ngôi thái hậu, oằn vai gánh sức nặng của bổn phận với con dân cả hai nước. Cuối con đường cay đắng của Ngọc Vạn là con đường thênh thang mở ra cho dân Việt: sát nhập vựa lúa Thủy Chân Lạp vào Việt Nam. Bà trở về xứ Việt, vào chùa tu.

Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép Dương Ngạn Địch từ Quảng Đông và Trần Thượng Xuyên từ Quảng Tây mang quân và dân vào định cư vùng đất chưa khai phá. Trần Thượng Xuyên theo cửa Cần Giờ, Soài Rạp vào sông Đồng Nai đến Cù Lao Phố lập quán sầm uất, người Hoa gọi là Châu Đại Phố. Dương Ngạn Địch theo cửa Tiểu, cửa Đại vào định cư ở vùng nay là Mỹ Tho.

Năm 1698, thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa sai xuống miền nam vùng Đồng Nai lập phủ Gia Định. Đây là thời điểm Sài Gòn coi như chính thức thành lập. Khi đến vùng đất mới người Việt thờ thần bản xứ xin được chấp nhận. Người Việt thờ Thần Bà Chúa Xứ là nữ thần xứ sở của người Chăm Po Inu Nagar và thần ông Tà của người Khmer. Miếu thờ ông Tà giống như nhà sàn cao nhỏ có vài ba viên đá tròn và bát hương thường gặp ở các làng xã Đông Nam Bộ và cả Nam Bộ.

Viên đá lớn tượng trưng cho thần, các viên nhỏ là ma quỷ theo hầu. Người Khmer rất sùng bái ông Tà, không ai dám nói lời xúc phạm vô lễ, qua miếu phải dở nón lột khăn. Sau này làng người Việt có đình thờ thành hoàng thì tục thờ ông Địa (nhập từ người Hoa) phổ biến hơn, ông Tà xuống cấp trở thành thần giữ ruộng "Ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng". Ngày nay, rừng tiếp tục bị tàn phá, người Việt tiếp tục đến định cư ngày càng nhiều trên Tây nguyên. Làng, bản, văn hóa bị xâm nhập, phá rừng, khai hoang, khai thác, đô thị hóa... Vai trò của người bản địa ở Nam bộ ít dần theo thời gian. Bản sắc vùng miền dần mai một. Đây cũng là vấn đề xã hội rất cần được quan tâm.

Bản đồ nước Việt không như bây giờ nếu không có công chúa Huyền Trân và công nương Ngọc Vạn, nhưng chính sử dưới ngòi bút Nho gia khe khắt không dành cho họ một dòng, dã sử cũng thế, hiếm khi viết về hai vị một cách trang nghiêm cho xứng với công lao của họ. Trần Thượng Xuyên có công mở cõi được sắc phong Thượng Đẳng Thần, đền thờ ở đình Tân Lân bên sông Đồng Nai. Công nương Ngọc Vạn, hình như không có đền thờ chính thống chỉ tự phát từ dân gian. Lữ khách xuyên Việt từ Phan Rang, Phan Rí đến tận mũi Cà Mau, có ai nhớ đến công nương tay không mở cõi mang tên Ngọc Vạn.

Bình Dương ST