Cơ hội tăng cường giao thương quốc tế từ Chương trình Hộ chiếu logistics thế giới

Ngày 01/3/2023 tới đây, tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) sẽ phối hợp với Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới (WLP) và Đại sứ quán các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức “Lễ ký kết và Diễn đàn Khởi động Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới (WLP) tại Việt Nam”.

Hộ chiếu Logistics Thế giới là một sáng kiến toàn cầu của UAE, chính quyền Dubai và một doanh nghiệp quản lý cảng khởi xướng, chính thức khởi động ngày 13/10/2019 và được giới thiệu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ lần thứ 50 vào tháng 01/2020, với sự tham gia của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Với vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của khu vực và tiềm năng tăng trưởng thương mại, Việt Nam đã được lựa chọn là một thành viên quan trọng thuộc mạng lưới WLP, giúp tăng hiệu quả thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

WLP được xây dựng nhằm giảm bớt rào cản phi thuế quan trong thương mại quốc tế thông qua việc tinh giảm thời gian và chi phí vận hành dịch vụ logistics. Hiện nay, Việt Nam là một trong 29 thành viên (Hub) của chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới. Các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt khi được UAE cấp hộ chiếu đều được tạo thuận lợi và hỗ trợ về thông quan, miễn giảm thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên phương tiện vận tải nhanh chóng, miễn phí, giảm thời gian lưu kho lên tới 48 giờ, hàng hóa có thể được thông quan trước khi đến cảng, nhờ đó dự kiến sẽ tiết kiệm thời gian và 40% chi phí vận hành.

Hiện, một số cảng của UAE thực hiện miễn giảm thuế, phí cho hàng hóa có hộ chiếu WLP, hàng hóa khi qua con đường tơ lụa Dubai sẽ tiết kiệm tiền lưu kho; có thể chuyển hàng thông suốt từ nơi xuất phát cho đến đích. UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á, với mặt hàng chủ yếu là hàng điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dầy dép, dệt may, hàng rau quả, hạt tiêu, gạo…

20230223134736-10logistics-1677512303.jpg

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công Thương, năm 2022, thặng dư thương mại của Việt Nam với UAE đạt 3,3 tỷ USD. Với những lợi thế trên, cơ quan Hải quan Dubai đang kỳ vọng hàng hóa giao thương từ Việt Nam đến các thị trường mới tăng từ 0,5% lên đến 27%.

Để triển khai chương trình hiệu quả, Việt Nam cũng như các nước thành viên khác sẽ có sự tham gia của các đối tác cốt lõi là cơ quan Hải quan, các nhà khai thác cảng biển và cảng hàng không, hiệp hội logistics, các hãng hàng không cùng doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng cạn…

Chương trình khách hàng thân thiết WLP dựa trên sự hợp tác giữa các thương nhân, nhà giao nhận hàng hóa và các tổ chức địa phương để cung cấp thêm hoạt động tạo thuận lợi thương mại. Việc ghi điểm và xếp hạng, cấp hạng hội viên cho cả thương nhân Việt Nam và nước ngoài sẽ được thực hiện một cách minh bạch trên nền tảng số hóa. Được biết, các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Apple, Foxcon… là hội viên mặc nhiên (hạng bạch kim) của chương trình này.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics cho biết, hiện nay, điều kiện để cho hộ chiếu này rất dễ dàng, các doanh nghiệp có thể thông qua buổi ký kết để đặt vấn đề tham gia. Nước bạn tạo điều kiện, miễn phí hoàn toàn cho các doanh nghiệp khi tham gia chương trình WLP này. Đây là cơ hội cho hàng hóa thông quan vào khu vực vùng Vịnh và từ đó đến với những khu vực khác trên toàn thế giới.

Hộ chiếu Logistics thế giới hiện đã mở rộng, có trên 48 quốc gia ở tất cả các châu lục. Mạng lưới WLP hiện chiếm 47% kim ngạch thương mại của toàn cầu, hiện có 121 đối tác (trong đó có hải quan các nước – cơ quan được giao bảo trợ, chủ trì triển khai chính sách ưu đãi cho hội viên của WLP – là những thương nhân, doanh nghiệp giao nhận), khuyến khích họ gia tăng giao dịch và luân chuyển hàng hóa qua Hub sở tại. Con số quốc gia, Hub và tuyến hành lang thương mại hiệu quả đang tiếp tục được mở rộng không ngừng, bên cạnh việc tối ưu hóa luồng tuyến, đối lưu hàng hóa đi và đến các đầu mối Hub.

Theo đánh giá của VLA, cần có thời gian để đánh giá hiệu quả của các doanh nghiệp tham gia chương trình. Tuy nhiên, trở thành thành viên của WLP sẽ giúp Việt Nam phát huy được hiệu quả mạng lưới logistics sẵn có và cơ hội trở thành đầu mối mạng lưới logistics trong khu vực.

Thi Nguyên (t/h)