Có hiệu lực từ 1/10, CBAM tác động đến hàng xuất khẩu nào của Việt Nam?

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn chuyển tiếp chính thức có hiệu lực vào ngày 01/10/2023, chỉ áp dụng đối với các mặt hàng gây ô nhiễm cao.
san-xuat-xanh-1695815920.jpg
Ảnh minh họa.

Theo quy định được phê duyệt vào tháng 5/2003 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10/2023, EU sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon ở giai đoạn chuyển tiếp nhằm quản lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất của tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào EU.

Giai đoạn chuyển tiếp chỉ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon ban đầu chỉ sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Cơ chế được chia thành ba giai đoạn:

Từ tháng 10/2023-2025 là giai đoạn chuyển tiếp, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí CBAM. Thời gian chuyển tiếp từ nay đến năm 2026 và tỷ lệ mà doanh nghiệp phải chi trả chứng chỉ CBAM cũng sẽ tăng dần từ năm 2026 đến năm 2034, tức là doanh nghiệp có một lộ trình để chuẩn bị.

Từ năm 2026-2034: doanh nghiệp mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm. EU sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Đến năm 2034, các doanh nghiệp sẽ phải nộp 100% phí CBAM. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa quen thuộc và chưa có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực để đáp ứng. Đặc biệt, với những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị trước, không có lộ trình thì sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của EU.

EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. Thuế carbon được xem là một trong những công cụ chính sách hiệu quả nhất đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất của nước xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt Nam đạt được tiêu chuẩn xanh mới có hy vọng tiếp tục tận dụng Hiệp định EVFTA để tăng xuất khẩu sang thị trường EU.

Xuất khẩu thép, nhôm, xi măng vào EU sẽ gánh thêm 36 tỷ USD chi phí mỗi năm

Việt Nam đứng thứ 11 về xuất khẩu hàng hóa vào EU, với nhiều mặt hàng thuộc nhóm sản xuất công nghiệp phát thải cao như nhôm, thép, dệt may, da giày… buộc phải thích ứng nếu muốn tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng trên vào khối thị trường này.

Bà Phạm Thị Ngọc Thúy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, với Cơ chế điều chỉnh carbon, chống phá rừng của châu Âu và chuỗi cung ứng của Đức… tác động thẳng đến doanh nghiệp.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá tác động thuế carbon lên hàng hóa xuất khẩu cho biết, loại thuế này sẽ làm tăng thêm 36 tỷ USD chi phí mỗi năm đối với thép, nhôm, xi măng của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Hiện có một số công ty thép thuê tư vấn giám sát, chủ động lên kế hoạch giảm 50% lượng khí thải carbon qua kỹ thuật tiên tiến là sản xuất thép bằng hydro.

Ông Lã Anh Chiến, Giám đốc nhà máy Bông TNG cho biết, từ năm 2021, nhà máy Bông TNG đã chuyển đổi sản xuất hơn 80% bông tái chế, thân thiện với môi trường làm nguyên liệu cho các nhà máy dệt may, nhờ vậy, đơn đặt hàng các đối tác EU đã tăng gần 200% đi kèm các tiêu chuẩn xanh.

“Đây là một trong những cơ hội rất tốt để công ty nâng cao năng lực cạnh tranh về cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào ngành may mặc cho các doanh nghiệp trong nước cũng như xuất khẩu”, ông Chiến nói.

Trước các quy định về kiểm soát phát thải nhà kính, nhiều tập đoàn hàng đầu như: Nike, Adidas, Coca - Cola, Heineken đã đưa ra các tiêu chí môi trường để lựa chọn nhà cung cấp. Theo đó, những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không có giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.

Trong khi đó, các nhãn hàng của EU cũng đang xây dựng các chương trình cùng đối tác Việt Nam cam kết hành động giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới nhà máy xanh.

Ông Lionel Adenot, Tổng Giám đốc Decathlon Việt Nam, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ Pháp, chuyên cung cấp các sản phẩm giày, quần áo và dụng cụ thể thao cho biết, các sản phẩm công ty cung cấp sẽ phải được sản xuất trên cơ sở đảm bảo hạn chế tác động đến môi trường. Do vậy, công ty thường xuyên kiểm tra thực tế về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn như việc sử dụng than đá đang được thay thế bằng nhiên liệu sinh khối.

Trong bối cảnh mà hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều đẩy mạnh và thậm chí là gây sức ép về mục tiêu giảm phát thải. CBAM chỉ là ví dụ đầu tiên. Vấn đề đặt ra hiện nay doanh nghiệp cần làm gì, cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì… và khởi động càng nhanh càng tốt nếu không muốn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị loại khỏi các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguyễn Huyền