Chuyển động vùng cây ăn trái An Giang hướng tới các thị trường chất lượng cao

Năm 2024, tỉnh An Giang tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo hướng chuyên canh tập trung. Tỉnh cũng nâng cao chất lượng nông sản theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.
cay-an-trai-an-giang-01-1712045616.jpg
Tỉnh An Giang đang tập trung phát triển sản xuất cây ăn trái chủ lực theo vùng chuyên canh tập trung. (Ảnh minh họa)

Chủ động mở rộng diện tích vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực

Tỉnh An Giang đang tập trung phát triển sản xuất cây ăn trái chủ lực theo vùng chuyên canh tập trung; tổ chức lại sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại theo yêu cầu thị trường, hướng tới đưa trái cây An Giang xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao.

Năm 2024, ngành nông nghiệp An Giang dự kiến chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái chủ lực, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung trên địa bàn tỉnh với quy mô trên 10.000ha.

Tỉnh tập trung phát triển, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái tập trung gồm xoài, chuối cấy mô, sầu riêng, nhãn, cây có múi phân bố trên địa bàn 33 xã, phường thị trấn tại 8 huyện, thành, thị xã như Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu, Long Xuyên, Châu Phú và huyện Châu Thành.

Ngành nông nghiệp An Giang sẽ đẩy mạnh phát triển, mở rộng vùng chuyên canh xoài tập trung với tổng diện tích gần 8.950ha, tập trung tại 7 huyện, thị xã, thành phố: Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu, Long Xuyên và huyện Châu Phú.

Đây là các địa phương hiện có liên kết ổn định với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty Hoàng Phát fruit, Vina T&T, Cát Tường, Hoàng Phan, Nafood.An Giang cũng tiếp tục duy trì, phát triển vùng chuyên canh chuối nuôi cấy mô tập trung với tổng diện tích là 300ha, tập trung tại 3 xã Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, Tân Tuyến, huyện Tri Tôn.

Tỉnh phát triển vùng chuyên canh nhãn tập trung với diện tích 330ha; trong đó, huyện Châu Phú vùng chuyên canh nhãn tập trung tại xã Khánh Hòa (250 ha), Mỹ Đức (50 ha) với giống nhãn xuồng, nhãn Mỹ Đức; huyện Tri Tôn, tập trung tại xã Tân Tuyến (30 ha), chủ yếu là nhãn IDO.

cay-an-trai-an-giang-02-1712045603.jpg
Ngành nông nghiệp An Giang sẽ đẩy mạnh phát triển, mở rộng vùng chuyên canh xoài tập trung với tổng diện tích gần 8.950ha. (Ảnh minh họa)

Năm 2024, An Giang phát triển vùng chuyên canh sầu riêng tăng thêm 30ha, nâng tổng diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh là 280ha, tập trung tại các huyện liên kết xuất khẩu với các Công ty Vina T&T, Chánh Thu như Chợ Mới, Tri Tôn, Châu Phú và Châu Thành.

Riêng vùng chuyên canh cây có múi năm 2024 An Giang phấn đấu tăng thêm diện tích 25ha, nâng tổng diện tích vùng chuyên canh cây có múi lên 145ha, tập trung tại các huyện liên kết xuất khẩu với các Công ty Vina T&T, Nafood như Tri Tôn, An Phú và Châu Thành.

Đến nay, An Giang đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái, trong đó nổi tiếng nhất là vùng chuyên cây xoài với các giống xoài chủ lực xoài 3 màu, cát Hòa Lộc, xoài keo đạt chứng nhận VietGAP, được cấp mã số vùng trồng và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Tăng cường kết nối mở rộng tiêu thụ nông sản

Theo ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, bên cạnh hình thành, phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động cấp mã số vùng trồng; phấn đấu diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt diện tích gần 3.620ha.

“Ngành nông nghiệp tỉnh cũng tổ chức xúc tiến, kết nối tiêu thụ cho vùng trồng tập trung cây ăn trái; xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu trái cây tỉnh An Giang; phát triển sản phẩm gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm trái cây tỉnh An Giang,” ông Hiệp cho biết.

Ngành nông nghiệp An Giang cũng tăng cường dự báo tình hình thị trường đối với cây ăn trái để tổ chức lại sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển kênh tiêu thụ sản phẩm trái cây trong nước có trọng tâm, trọng điểm thông qua hệ thống kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng và hệ thống các chợ đầu mối lớn.

cay-an-trai-an-giang-03-1712045698.jpg
Định hướng của tỉnh An Giang là phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái tập trung với các sản phẩm chủ lực có quy mô lớn để gia tăng lợi thế cạnh tranh. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cho biết định hướng của tỉnh là phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái tập trung với các sản phẩm chủ lực có quy mô lớn để gia tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn và yêu cầu thị trường.

Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu trái cây chính ngạch của tỉnh sang thị trường Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu đối với các thị trường tiềm năng như EU, Nhật, Mỹ, Australia, Hàn Quốc.

Theo ông Lâm, đến năm 2025, An Giang phấn đấu sẽ chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với quy mô trên 10.300ha; trong đó, xoài chiếm diện tích lớn nhất với gần 9.100ha; tiếp theo là vùng chuyên canh chuối nuôi cấy mô, sầu riêng, nhãn và cây có múi.

Đến năm 2025, An Giang phấn đấu cấp mới 225 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái với diện tích gần 4.100ha, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tỉnh cũng đẩy mạnh cấp chứng nhận diện tích cây ăn trái trong vùng chuyên canh thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.../.

Bình Nguyên