Chuyển đổi gần 7.000ha đất chuyên lúa, nông dân Kiên Giang tăng thu nhập gấp bốn lần

Những diện tích đất chuyên lúa được khuyến khích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm hoặc luân canh kết hợp thủy sản ở Kiên Giang đã cho hiệu quả kinh tế cao. Chỉ trong năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi 6.850/7.676ha, đạt hơn 89% so với kế hoạch được Bộ NN-PTNT giao. Những diện tích chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5 đến 4 lần.
chuyen-doi-xanh-kien-gian-02-1708659739.jpg
Mô hình kết hợp giữa cây lúa-con tôm không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi phát triển tốt. (Ảnh TTXVN)

Chuyển đổi diện tích chuyên lúa nông dân tăng thu nhập

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, năm 2023, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất chuyên trồng lúa với tổng diện tích là 6.850/7.676ha, đạt hơn 89% so với kế hoạch được Bộ NN-PTNT giao trong năm.

Trong đó, diện tích chuyển đổi đất lúa sang trồng cây hàng năm là 1.221ha, chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 369ha. Riêng diện tích đất chuyên trồng lúa chuyển đổi sang đất trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản đạt hơn 5.260ha. Qua khảo sát, đánh giá của đơn vị chuyên môn, hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5 đến 4 lần.

Cụ thể, chuyển đổi đất lúa sang trồng luân canh lúa - rau màu lợi nhuận tăng thêm từ 15 - 25 triệu đồng/ha. Chuyển đổi sang các mô hình trồng rau màu chuyên canh lợi nhuận cao hơn từ 35 - 45 triệu đồng/ha. Đối với chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái giúp tăng thêm lợi nhuận 55 - 65 triệu đồng/ha, tuy nhiên chi phí đầu tư cao hơn so với trồng lúa và cần thời gian khoảng 3 - 4 năm nông dân mới bắt đầu thu hồi vốn.

Đặc biệt, chuyển đổi từ chuyên trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có điều kiện phù hợp giúp tăng thêm lợi nhuận bình quân 85 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, đang được Sở NN&PTNT Kiên Giang định hướng mở rộng tại các huyện vùng U Minh Thượng và khu vực ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên.

chuyen-doi-xanh-kien-gian-01-1708659722.jpg
Năm 2023, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất chuyên trồng lúa với tổng diện tích là 6.850/7.676ha. (Ảnh TTXVN)

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, từ đầu năm đến nay diện tích sản xuất tôm-lúa trên địa bàn tỉnh đạt hơn 106.000ha. Mô hình sản xuất tôm-lúa có thế mạnh ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Hòn Đất, đóng góp sản lượng lớn tôm và lúa của Kiên Giang.

Những năm gần đây, diện tích trồng lúa kém hiệu quả hoặc không đảm bảo nguồn nước tưới, tỉnh chuyển sang mô hình tôm - lúa. Mô hình này đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha, tăng lên 100-130 triệu đồng/ha.

Sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình sản xuất này chiếm hơn 50% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Sản lượng lúa thu về hàng trăm ngàn tấn mỗi năm phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phát triển sản xuất tôm-lúa theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, ổn định diện tích sản xuất tôm-lúa hơn 117.000ha.

Theo ông Hiển, tính đến cuối năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng thành công mô hình sản xuất tôm-lúa đạt chuẩn hằng năm trên 2.000 ha cho cả 2 đối tượng tôm và lúa bao gồm các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, Chứng nhận ASC và BAP.

Niềm vui từ vụ lúa - tôm thắng lợi kép

Từ đầu năm 2024, nông dân vùng lúa-tôm của tỉnh Kiên Giang bước vào thu hoạch rộ vụ tôm càng xanh xen canh với vụ lúa mùa năm 2023. Theo chia sẻ của nông dân và ngành chuyên môn, nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất lúa và tôm đều đạt khá cao, đặc biệt là giá lúa tăng mạnh trong thời điểm thu hoạch nên nông dân thắng lợi kép từ mô hình sản xuất lúa-tôm.

Gia đình ông Võ Văn Ngo, ấp Ngã Bát, xã Đông Hưng B, huyện An Minh (Kiên Giang) vừa thu hoạch xong 3,5 ha lúa cách đây hai ngày. Trước đó , gia đình ông cũng đã thu hoạch xong vụ tôm càng xanh. Tổng thu nhập từ con tôm và cây lúa mang về cho gia đình khoảng 330 triệu đồng.

Ông Ngo cho biết năm 2023 gia đình áp dụng mô hình xen canh nuôi tôm thẻ, tôm sú, cua, tôm càng xanh và trồng lúa. Riêng trong vụ lúa-tôm vừa qua, ông thả khoảng 50.000 con tôm càng xanh giống toàn đực và gieo trồng giống lúa ST 25 áp dụng kỹ thuật trồng lúa hữu cơ theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, gia đình thu hoạch được hơn 1,4 tấn tôm càng xanh và gần 20 tấn lúa.

Thời tiết thuận lợi, cả tôm và lúa đều ít bị sâu, bệnh gây hại nên năng suất đạt khá cao. Với gái bán tôm càng xanh oxy 95.000 đồng/kg, lúa 10.000/kg, tổng thu nhập hơn 330 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Vụ này nhờ lúa có giá cao gấp rưỡi các vụ trước nên thu nhập mới được tăng cao như vậy”, ông Ngo cho chia sẻ thêm.

Ông Phạm Văn Long, ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh cho hay, gia đình vừa thu hoạch xong 1,2ha lúa ST24, với sản lượng hơn 900kg, thương lái mua lúa tươi tại ruộng 10.000 đồng/kg.

Còn tôm càng xanh gia đình đã thu hoạch từ cuối tháng 12, sản lượng hơn 600kg, giá bán được 90.000 đồng/kg. Vụ tôm-lúa này gia đình đạt lợi nhuận hơn 60 triệu đồng.

chuyen-doi-xanh-kien-gian-03-1708659803.jpg
Mô hình tôm lúa hữu cơ của huyện An Minh (Kiên Giang) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm 500 ha để xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững. (Ảnh VOV)

Theo ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, vụ sản xuất lúa-tôm năm 2023 toàn huyện xuống giống hơn 27.000ha. Nông dân chủ yếu gieo sạ các giống lúa đặc sản và chất lượng cao như ST 24, ST 25, RVT, đài thơm… chiếm trên 70% tổng diện tích.

Huyện cũng đã thực hiện chuỗi giá trị tôm-lúa; trong đó, nhiều doanh nghiệp ký kết với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đầu tư sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ gần 1.000ha và liên kết tiêu thụ lúa sản xuất trên nền đất nuôi tôm được hơn 2.000ha.

Các hợp tác xã trên địa bàn cũng đã liên kết ký hợp đồng tiêu thụ lúa với các công ty như Công ty Hồ Quang Trí, Công ty Đại Dương Xanh, Tập Đoàn Tân Long gồm các giống lúa ST 25, ST24 với mức giá thu mua cao hơn thị trường từ 100 đến 200 đồng/kg, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.

“Vụ lúa- tôm năm nay sản xuất khá thuận lợi nên năng suất đạt khá cao. Cụ thể, tôm càng xanh đạt khoảng 600kg/ha, lúa ước đạt 6,7 tấn/ha. Đặc biệt trong vụ mùa giá lúa tăng cao nhất từ trước tới nay, từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg lúa tươi (tùy theo giống lúa). Do lúa hút hàng, doanh nghiệp và thương lái đến tận ruộng thu mua lúa tươi ngay sau thu hoạch nên việc thu hoạch lúa của nông dân rất thuận lợi,” ông Khanh cho biết thêm.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Kiên Giang tập trung tổ chức lại mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa. Trong số đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ có vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất, tập trung kiện toàn, củng cố, thành lập mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm-lúa trọng điểm.

Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát hiện trạng diện tích đất trồng lúa ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và những vùng khác bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để có thể chuyển đổi sản xuất tôm-lúa kết hợp hoặc nuôi tôm nước lợ. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất tôm-lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái… theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng, vùng nuôi tôm...

Tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông phục vụ nuôi trồng thủy sản trọng điểm vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Theo đó, chú trọng gia cố hệ thống đê, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước, tiêu thoát để nuôi trồng thủy sản; hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống cống vùng nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa./.

Bình Nguyên