Quảng cáo #128

Chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả từ các xã viên

Hiệu quả từ chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ của Hợp tác xã Đồng Phú, chuỗi sản xuất – tiêu thụ bưởi Chương Mỹ của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến.

Theo bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, Hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi với mô hình 4 nhà gồm: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh và xây dựng thương hiệu xuất khẩu gạo. Do thực hiện sản xuất hữu cơ cũng như liên kết chuỗi nên giá trị thu nhập của bà con nông dân cao hơn gấp 1,8 lần so với sản xuất thông thường. Bình quân thu nhập trên diện tích sản xuất hữu cơ đạt 185 triệu đồng/ha/năm. Điển hình trong vụ xuân năm 2022, bình quân thu nhập đạt lợi nhuận 2 triệu đồng/sào, 54 triệu đồng/ha.

Hay Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến cũng là một đơn vị tiêu biểu. Hợp tác xã được thành lập năm 2018, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó tạo việc làm cho các thành viên và nâng cao đời sống, phát triển kinh doanh cho các thành viên.

Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ yếu của Hợp tác xã gồm: bán buôn, bán lẻ phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế và bảo quản các loại rau, quả… Hiện nay, Hợp tác xã đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trong đó có sản xuất lúa hữu cơ, bưởi hữu cơ và sản xuất rau an toàn.

lua-huu-co-nam-phuong-tien-1679153632.png
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến.

Riêng với trồng lúa, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến hiện có 30ha chuyên sản xuất lúa hữu cơ bằng một số giống lúa chất lượng cao như: J02, Đài thơm 8, QR15... Với những thuận lợi từ nguồn nước tưới dồi dào, nằm xa khu dân cư, không có khu công nghiệp, trong 2 năm (2021 – 2022) được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội và Phòng Kinh tế huyện, Hợp tác xã đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ở cả vụ xuân và vụ mùa, với quy mô hơn 40ha. Theo đó đã sử dụng 100% phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường, từ đó đảm bảo sản phẩm chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm trên thị trường.

Đối với phát triển rau an toàn, theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến Vũ Thị Huyền, các thành viên đã tham gia trồng rau, củ, quả theo phương thức VietGAP và hướng theo hữu cơ trên diện tích 5ha. Đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn để bảo đảm quy trình sản xuất hữu cơ chặt chẽ, an toàn. Qua thực tế sản xuất cho thấy, trung bình mỗi héc ta trồng rau hữu cơ một năm cho giá trị kinh tế từ 100 - 130 triệu đồng.

Xã Nam Phương Tiến là vùng đồi gò của huyện Chương Mỹ, có diện tích trồng bưởi Diễn tập trung với trên 150ha. Sau khi được thành lập, Hợp tác xã đã đầu tư chăm sóc 15ha bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, có 29 hộ chuyển sang trồng hướng theo hữu cơ. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Phát triển nông nghiệp mở lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh bưởi hướng theo VietGAP và hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Huynh, xã viên HTX Nam Phương Tiến vui vẻ giới thiệu từng loại cây, từng năm trồng, số quả thu hoạch hàng năm và lợi nhuận thu được bằng tất cả niềm say mê với sản xuất nông nghiệp.

Cách đây mấy năm về trước, ông Huynh cũng thuộc diện kinh tế khó khăn trong xã, gia đình đã xoay sở đủ thứ nghề để kiếm kế, sinh nhai, nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám riết mãi. Sau khi tìm hiểu và được sự động viên của mọi người ông quyết định tham gia vào HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến và được đi tập huấn kỹ thuật trồng cây bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP và hiện nay ông đang trồng hướng theo hữu cơ.

Nhờ bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi và tích cực tìm tòi khoa học kỹ thuật, thông qua sách báo, đài, đất không phụ công người nên vườn bưởi Diễn của gia đình ông đã đơm hoa kết trái ngay sau khi bước vào năm thứ 2.

buoi-huu-co-1679153712.jpg
Vườn bưởi trĩu quả của ông Nguyễn Văn Huynh, xã viên HTX Nam Phương Tiến.

Theo đó, khi tham gia canh tác sản xuất, người dân đã nâng cao ý thức trong tổ chức hợp tác sản xuất bưởi bằng biện pháp hữu cơ, biết lựa chọn phân bón cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, không sử dụng phân bón vô cơ, nhất là không phun thuốc hóa học; thực hiện làm đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng. Thực tế cho thấy, cây bưởi được chăm sóc hướng theo hữu cơ, VietGAP cho tỷ lệ đậu quả cao hơn, sản phẩm bưởi bảo quản được lâu và chất lượng tốt hơn. Hiện nay, sản phẩm bưởi của Hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc. 

Để phát triển, mở rộng thị trường, Hợp tác xã nông nghiệp Nam Phương Tiến đã xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm tiêu biểu như: Bưởi, rau an toàn tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương. Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp hướng theo hữu cơ nên đến nay Hợp tác xã đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất của các thành viên cũng như người dân địa phương.

Đồng thời thực hiện hiệu quả Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch; tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021 – 2025./.