Chi phí sản xuất tăng khiến sản xuất cây vụ Đông gặp khó

Từ lâu vụ Đông mang lại thu nhập lớn cho người dân các địa phương tại tỉnh Nam Định và được xem như vụ sản xuất chính, nhưng năm nay do mưa lớn kéo dài gây ngập úng khiến nhiều diện tích rau màu của bà con phải trồng lại. Cùng đó, là giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến cho việc phát triển cây trồng vụ Đông gặp nhiều khó khăn.

Nếu như thời điểm này mọi năm, trên các cánh đồng trồng màu tại xã Nam Hoa, huyện Nam Trực người dân đang chuẩn bị thu hoạch những lứa rau màu đầu tiên để bán thì năm nay do ảnh hưởng bởi cơn bão số 7, số 8 gây mưa lớn kéo dài làm cho nhiều diện tích rau màu trồng sớm bị ngập, người dân phải trồng lại khiến cho khung thời vụ bị chậm.

Ông Nguyễn Văn Thắng, người dân xã Nam Hoa cho biết, gia đình ông có 2 sào (720m2) đất màu trồng cây vụ Đông, một nửa trồng súp lơ còn lại trồng khoai tây. Tuy nhiên, sau khi vừa xuống giống được một tuần gặp mưa lớn kéo dài, nước không kịp thoát, cây chưa nảy mầm đã bị ngập úng, gia đình ông phải bỏ ra một số tiền khá nữa để mua giống về trồng lại.

Trên khắp các cánh đồng trồng cây vụ Đông tại xã Nam Hoa thời điểm này người dân đang khẩn trương dẫn nước vào ruộng, bón phân đạm, kali… để rau màu có thể phát triển, sớm được thu hoạch. Dù vậy, hiện nay giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, người dân ở xã Nam Hoa, hiện giá giá phân lân và các loại vật tư nông nghiệp đều tăng gấp 1,5 lần, có loại tăng gấp đôi như giá phân Ure trước kia chỉ có 8.000 đồng/kg nay đã tăng lên tới 17.000 đồng. Các cánh đồng trồng khoai tại đây đều phục vụ thị trường dịp Tết, hy vọng khi ấy giá khoai sẽ ổn định như các năm trước để người trồng vẫn có lãi.

1434699002-145-12-bon-phan-1639038273.jpg
Ảnh minh họa.

Ông Đặng Doanh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hoa cho hay, trung bình 1 sào (360m2) khoai tây sau khi trừ tất cả các loại chi phí như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… người dân thu về được khoảng 5 triệu đồng, cao hơn gấp 3 lần so với làm lúa. Liên tiếp các vụ Đông năm 2019, 2020, khoai tây được giá giúp cho người dân có thêm khoản thu nhập để đón Tết song năm nay thời tiết không thuận lợi, giá vật tư nông nghiệp tăng cao dẫn đến diện tích cây vụ Đông của xã cũng bị bỏ hoang nhiều hơn.

Ông Vũ Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trực thông tin, vụ Đông năm nay toàn huyện trồng trên 1.000 ha rau, màu các loại; trong đó, 650ha khoai tây. Để giảm bớt khó khăn cho người dân, huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động lùi khung thời vụ, chủ động nguồn nước tưới tiêu, cùng với đó tuyên truyền để người dân phòng, trừ sâu bệnh đúng giai đoạn và tăng cường chăm bón để cây trồng phát triển tốt nhất.

Huyện Ý Yên cũng là một trong những địa phương có diện tích cây vụ Đông lớn tại tỉnh Nam Định nhưng năm nay do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhiều diện tích cây vụ Đông bị chết, do không kịp chuẩn bị con giống nhiều nơi bà con cũng không kịp trồng, dặm lại.

Ông Trịnh Văn Mậu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ý Yên cho hay, do giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp tăng cao cùng với đó là do ảnh hưởng của thời tiết nên vụ Đông năm nay người trồng màu rất vất vả, nhiều diện tích rau màu người dân phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Huyện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đảm bảo chủ động nguồn nước tưới để cây trồng phát triển.

Vụ Đông năm nay, tỉnh Nam Định gieo trồng khoảng 11.000ha; trong đó, trên 1.600 ha trồng trên đất 2 lúa với các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, bí xanh, cà chua, đậu tương…

Để khắc phục những khó khăn cho người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có vùng đất chuyên trồng màu thực hiện đa dạng hóa các cây rau, màu ngắn ngày, quay vòng từ 2-3 lứa/vụ; tổ chức hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng và quan tâm tìm kiếm các đối tác liên kết tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông cho nông dân.

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định thông tin, ngoài việc khuyến khích người dân lựa chọn các loại cây trồng chất lượng cao, sản xuất tập trung theo vùng để áp dụng công nghệ vào sản xuất, ngành nông nghiệp cũng đề nghị mỗi huyện phấn đấu có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông, giúp người dân có đầu ra ổn định, giảm phụ thuộc vào thị trường./.