Cao điểm hạn mặn, hàng nghìn héc ta lúa và cây ăn trái có nguy cơ thiếu nước

Thời điểm này, các tỉnh ĐBSCL đang bước vào cao điểm mùa khô. Tình trạng hạn mặn diễn ra gay gắt đe dọa đến 56.260ha lúa, 43.300ha cây ăn trái do nguy cơ thiếu nước. Chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực chống hạn mặn bảo vệ cây trồng và ổn định sinh hoạt.
chong-han-man-04-1709282227.jpg
Nhiều nông dân ở các tỉnh ĐBSCL lo lắng trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa)

Hạn mặn đe dọa cây trồng, đảo lộn sinh hoạt

ĐBSCL nằm ở cuối nguồn lưu vực sông Mekong, tiếp giáp biển nên xâm nhập mặn vào mùa khô là đặc điểm mang tính tự nhiên của vùng và là yếu tố tác động lớn nhất đến mức độ cũng như thời gian hạn mặn hàng năm từ dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL và thủy triều từ biển.

Thời điểm cuối tháng 2, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 ở một số địa phương khu vực ĐBSCL bắt đầu gay gắt khi ranh mặn lấn sâu vào nội đồng ở mức cao so với trung bình nhiều năm. Tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân ở một số địa phương trong vùng cũng bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi cho biết, hiện đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn. Nhận định nguồn nước về ĐBSCL trong tháng 3 vẫn ở mức thấp dẫn đến xâm nhập mặn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Những ngày cuối tháng 2/2024, nắng nóng khu vực Nam bộ liên tục tăng, có nơi đạt mức 38 độ C. Cùng lúc này, nguồn nước ở các tuyến sông xuống thấp, khiến cho nước mặn lấn sâu vào nội đồng. Hiện nay, nước mặn 4‰ xâm nhập đến địa bàn tỉnh Bến Tre cách cửa sông từ 44 - 53km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông từ 52 - 70km. Tại huyện Chợ Lách, trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên nước mặn gần 3‰ đã xâm nhập trên sông chính đến xã Hòa Nghĩa và Long Thới, Hưng Khánh Trung B, độ mặn gần 2‰ đã đến xã Tân Thiềng, 1,4‰ đến xã Phú Sơn, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái.

chong-han-man-02-1709282215.jpg
Người dân ĐBSCL thu hoạch rau màu né hạn mặn xâm nhập. (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, mặn xâm nhập đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặn cao nhất ở tháng 2 và tháng 3, tích nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 55-70km, vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng giải pháp phòng chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng. Với mức xâm nhập mặn như vậy, nguy cơ xảy ra thiếu nước cho khoảng 56.260ha lúa ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Ngoài ra, xâm nhập mặn cũng có khả năng ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 43.300ha ở huyện Tân Trụ (Long An), các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây (Tiền Giang), Mỏ Cày Nam, Châu Thành (Bến Tre) và Kế Sách (Sóc Trăng). Bên cạnh đó, xâm nhập mặn cũng gây nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển ở nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long...

Ghi nhận tại tỉnh Bến Tre, từ ngày 22/2 trên sông Cửa Đại, độ mặn 4‰ xâm nhập đến Ấp Long Quới, xã Long Định (huyện Bình Đại), cách cửa sông 37km. Trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ xâm nhập đến Ấp Phú Lợi, xã Bình Phú (TP Bến Tre) - Ấp Thanh Sơn 3, xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 49,5km.

Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 4‰ xâm nhập đến Ấp Tân Phong, xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam), cách cửa sông 38km. Độ mặn 1‰ xâm nhập đến Ấp Giồng Đắc, xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 55km. Theo Đài Khí Tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, độ mặn cao nhất đo vào ngày 26.2 tại các Trạm Bình Đại, An Thuận và Bến Trại lần lượt là 22.9‰, 23.5‰ và 19.6‰.

Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết, theo dự báo của các cơ quan chức năng, nguồn nước về mùa khô năm 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn cao nhất rơi vào tháng 2 và tháng 3/2024. Ngoài ra, độ mặn sẽ lên xuống theo triều.

Tìm giải pháp ứng phó hạn mặn

Để ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.

Cục Thủy lợi đã phối hợp với các đơn vị khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện các nhiệm vụ dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước để cung cấp bản tin dự báo mùa trước vụ đông xuân 2023-2024 và cập nhật các bản tin tuần/tháng thường xuyên đến lãnh đạo Bộ, các cơ quan liên quan thuộc Bộ và các địa phương trong khu vực để làm cơ sở chỉ đạo điều hành tổ chức sản xuất nông nghiệp.

chong-han-man-03-1709282325.jpg
Nông dân ĐBSCL trữ nước ngọt trong mùa hạn, mặn. (Ảnh minh họa)

Cục Thủy lợi đã ban hành “Sổ tay hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước phân tán, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL, áp dụng trong điều kiện xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024” để hướng dẫn các giải pháp trữ nước cho cây ăn trái, các địa phương cũng đã chủ động triển khai xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để đảm bảo nguồn nước cho cây ăn trái trong thời gian xâm nhập mặn tăng cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi cho biết, hiện nay các hệ thống công trình thủy lợi vùng ĐBSCL đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn các khu vực cách biển từ 40-65km, với tổng diện tích khoảng 1,25 triệu ha đất canh tác; cụ thể theo các hệ thống sông như sau:

Ở các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), khả năng kiểm kiểm soát mặn của công trình thủy lợi cách biển từ 75-80km, đến vị trí Kênh Thủ Thừa thuộc hệ thống thủy lợi Nhật Tảo - Tân Trụ. Ở cửa các sông Cửu Long: Trên hệ thống sông Tiền, các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn cách biển từ 40- 65km; trên sông Hậu: Các hệ thống thủy lợi đã kiểm soát mặn từ 35-55km.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có nhiệm vụ kiểm soát xâm nhập mặn trên sông Cái Lớn – Cái Bé cho khoảng 384.000 ha sản xuất nông nghiệp khu vực ven biển Tây, đã được xây dựng và đưa vào vận hành từ cuối năm 2021, đến nay bước đầu khẳng định hệ thống đã đáp ứng được nhiệm vụ thiết kế.

Ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp, nhằm đảm bảo có đủ nước tưới cho hơn 200 ngàn ha gieo trồng vụ Hè Thu năm 2024 (trong đó lúa hơn 180.000 ha; hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày hơn 13.000 ha và 43.000 ha cây lâu năm và hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản), UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và các ngành liên quan bằng các biện pháp chủ động đủ nước tưới, nước sinh hoạt của người dân trong thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Để có nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2024, các huyện, thành phố trong tỉnh có nhiều giải pháp chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Vụ Hè Thu, huyện Lai Vung chủ động đảm bảo đủ nước tưới cho 7.500 ha lúa; hơn 1.500 ha hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Huyện triển khai nhanh thi công các danh mục công trình do tỉnh quản lý; huy động mọi nguồn lực để nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng ở các xã, thị trấn nhằm khai thông nguồn nước các kênh bị bồi lắng, tạo dòng chảy thông thoáng, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp...

chong-han-man-01-1709282355.jpg
Huyện Lai Vung (Đồng Tháp) triển khai giải pháp nạo vét nhiều tuyến kênh, mương tạo nguồn đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, huyện chủ động các biện pháp khai thông nguồn nước các kênh thủy lợi tạo nguồn, thủy lợi nội đồng, cống đập tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, theo hướng bố trí màu luân canh vụ Xuân Hè, để hạn chế sử dụng nước, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, nhất là những vùng gò sản xuất lúa kém hiệu quả. Huyện khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước; chủ động tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng luân canh 2 lúa, 1 màu.

Huyện Lấp Vò đảm bảo đủ lượng nước tưới cho khoảng 16.964 ha đất sản xuất, huyện có giải pháp như: Phương án di chuyển các trạm bơm điện, thiết bị máy móc bơm nước liên vùng đến những nơi cần gấp; đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét công trình thủy lợi được huyện bố trí nguồn vốn năm 2024 nhằm kịp thời phục vụ chống hạn cho sản xuất nông nghiệp, triển khai thực hiện kế hoạch bố trí chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp....

Các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật, khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, không đủ nước; Bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất năm 2024. Sở thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, công tác phòng, chống nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thông tin dự báo tình hình nguồn nước để người dân biết, chủ động sản xuất trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn./.

Bình Nguyên