Cảnh báo: Sâu bệnh gây hại trên lúa Đông - Xuân

Để chủ động phòng ngừa sâu bệnh trên lúa Đông - Xuân 2021-2022, ngành nông nghiệp Quảng Bình và người nhân địa phương đã chủ động, tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, bám sát cơ sở, đồng ruộng, hướng dẫn và triển khai các biện pháp kỹ thuật… xử lý và phòng bệnh sớm cho cây trồng.

Vụ lúa Đông – Xuân 2021-2022, tỉnh Quảng Bình gieo trồng hơn 29.000 ha lúa. Đây được xem là vụ sản xuất chính, quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm của tỉnh. Thời điểm này, lúa vào giai đoạn trà sớm, trà chính vụ giai đoạn đứng cái-làm đòng, trà muộn đẻ nhánh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, những ngày này thời tiết tại địa phương thường có sương mù vào sáng sớm, ngày nắng ấm, chiều tối và đêm trời se lạnh nên đã tạo điều kiện cho các loại sâu, bệnh phát sinh, gây hại. Đặc biệt, hiện nay tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, các diện tích lúa xuất hiện bệnh đạo ôn lá với 345 ha diện tích bị nhiễm; trong đó: Lệ Thủy 155 ha, Quảng Ninh 110 ha, Bố Trạch 22 ha, Quảng Trạch 22 ha... Tỷ lệ phổ biến 3 - 5%, nơi cao 15 - 20%, cục bộ 50 - 60%, cấp bệnh 1 - 3, nơi cao cấp 5, cục bộ cháy chòm, bệnh xuất hiện chủ yếu trên các giống P6, Đài thơm 8, X21…. Cùng với đó, một số diện tích lúa cũng bị chuột hại với hơn 387ha, bọ trĩ với 32 ha bị nhiễm, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá với 145 ha, ốc bươu vàng hơn 23 ha nhiễm…

Ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh cho biết, tổng diện tích lúa Đông – Xuân người dân sản xuất vụ này khoảng 5.200 ha. Qua theo dõi, kiểm tra, nắm tình hình thì hiện rải rác tại các xã như Hiền Ninh, Vĩnh Ninh, Gia Ninh…lúa xuất hiện bệnh đạo ôn nhưng ở mức độ nhẹ, chưa có nguy cơ phát triển thêm. Đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở để nắm tình hình, theo dõi và hướng dẫn, hỗ trợ các xã và nông dân trong phòng trừ sâu bệnh trên lúa.

“Khuyến cáo với người dân là giai đoạn này cần thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để phát hiện và xử lý kịp thời các mầm móng, dấu hiệu sâu, bệnh hại lúa. Đặc biệt từ nay đến giai đoạn lúa trổ bông cần chú ý để chủ động các biện pháp phòng trừ đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, sâu cuốn lá... Bên cạnh đó, trong quá trình chăm bón người dân lưu ý cân đối việc bón phân đảm bảo phù hợp, chủ động nước tưới tiêu…

Về lâu dài, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nông dân trong quá trình canh tác, để hạn chế sâu bệnh gây hại và đảm bảo vụ lúa thắng lợi, nên chọn lựa các giống lúa kỹ thuật, giống xác nhận và cần giảm tỷ lệ sử dụng giống lúa trong dân vào sản xuất; gieo trồng với mật độ phù hợp, không gieo quá dày và đảm bảo đúng khung lịch thời vụ do tỉnh phổ biến; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…”, ông Trần Đức Thuận nhấn mạnh.

phun-13-4-2021-1647415931.jpeg
Ảnh minh hoạ

Bà Phạm Thị Diên, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho hay, vừa qua gia đình bà có thấy thông báo của xã, thôn thông tin về tình hình dịch bệnh trên lúa để người dân chủ động theo dõi phòng ngừa. Vụ lúa này gia đình bà gieo trồng 5 sào và lúa đang quá trình sinh trưởng, phát triển khá tốt. Nhưng mấy ngày nay trời cứ có sương mù vào sáng sớm, trời khá âm u nên rất dễ để đạo ôn lá và sâu, chuột phá hại. Hiện diện tích lúa của gia đình bà chưa bị bệnh nhưng cũng không chủ quan, lơ là. Gia đình bà thường xuyên ra đồng kiểm tra lúa, chủ động chuẩn bị các loại thuốc phu trừ sâu bệnh thường gặp để xử lý ngay khi phát hiện, tránh lây lan diện rộng”.

Dự báo thời gian tới, bệnh đạo ôn lá sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng, tiềm ẩn rất lớn nguồn nấm gây bệnh đạo ôn cổ bông giai đoạn trổ làm ảnh hưởng đến năng suất lúa Đông - Xuân. Mặt khác, các nguy cơ bệnh do vi khuẩn, sâu cuốn lá, rầy lưng trắng…cũng sẽ phát sinh gây hại cho lúa.

Để bảo đảm an toàn sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra đồng ruộng nắm chắc tình hình bệnh đạo ôn nhằm chỉ đạo phòng trừ kịp thời; đôn đốc các phòng, ban liên quan tích cực bám sát cơ sở phối hợp với địa phương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện hiệu quả phòng trừ.

Cùng với đó, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị liên quan cần phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tích cực kiểm tra giám sát cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cung ứng đúng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ. Các đơn vị, địa phương cần tăng cường thông tin tuyên truyền, thông báo kịp thời tình hình bệnh đạo ôn hại lúa và hướng dẫn biện pháp kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng…/.