Quảng cáo #128

Cần Thơ quy hoạch 7 khu nông nghiệp công nghệ cao với quy mô khoảng 1.665ha tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng

Một trong những nội dung quan trọng trong phương hướng phát triển nông nghiệp TP Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hình thành 7 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 1.665ha. Đây sẽ là những dự án nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trên địa bàn thành phố thời kỳ 2022 – 2030, với tổng mức kêu gọi trên 5.000 tỷ đồng.

Ngày 1/11, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch ngành nông nghiệp tích hợp vào Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

can-tho-quy-hoach-khu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-4-1730621948.jpg
Các đại biểu nghe giới thiệu về Quy hoạch ngành nông nghiệp tích hợp vào Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh CTV)

Ưu tiên đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao

Căn cứ theo Quyết định số 1519/QÐ-TTg ngày 2/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Cần Thơ đã xây dựng Quy hoạch ngành Nông nghiệp  tích hợp vào Quy hoạch TP Cần Thơ. Quy hoạch này đã xác định và đề ra cụ thể các phương hướng phát triển nông nghiệp, thủy sản và phương án phát triển khu vực nông thôn.

Theo đó, đã đề ra định hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở tích hợp đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành; phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông-thủy sản chuyên canh đạt chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Phát huy chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp. Ðẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ và Thới Lai. Triển khai có hiệu quả và thu hút các doanh nghiệp chiến lược đầu tư kinh doanh vào Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển nông nghiệp đô thị góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, cung cấp thực phẩm xanh, đô thị bền vững. Phát huy tối đa lợi thế chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Quy hoạch cũng xác định phương án phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển mạng lưới thủy lợi, với định hướng bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi để nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.

Thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL với diện tích khoảng 250ha tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Ðỏ. Ðồng thời, đề ra phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu và danh mục dự án hạ tầng nông nghiệp ưu tiên đầu tư trên địa bàn TP Cần Thơ thời kỳ 2022-2030…

can-tho-quy-hoach-khu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-5-1730622004.jpg
Mô hình trồng dưa lưới tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiên Minh ở huyện Cờ Ðỏ (Cần Thơ). (Ảnh minh họa)

Một trong những nội dung quan trọng trong phương hướng phát triển nông nghiệp TP Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hình thành 7 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, quy mô khoảng 1.665ha. Đây sẽ là những dự án nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trên địa bàn thành phố thời kỳ 2022 – 2030, với tổng mức kêu gọi trên 5.000 tỷ đồng.

Trong đó, TP Cần Thơ sẽ quy hoạch lại Khu nông nghiệp công nghệ cao Cần Thơ hiện hữu, quy mô 244ha ở huyện Cờ Đỏ. Đồng thời, quy hoạch mới 6 khu nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Thạnh Tiến, Thạnh Lợi, Thạnh Quới (thuộc huyện Vĩnh Thạnh); xã Trường Xuân, Đông Thuận (thuộc huyện Thới Lai) và xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ; tổng diện tích trên 1.400ha.

Ngoài ra, TP Cần Thơ sẽ dành phần diện tích khoảng 11.500ha để phát triển hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường sông Hậu.

Các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm cơ hội đầu tư các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến tại các vùng nguyên liệu tập trung. Đặc biệt, là tham gia triển khai các dự án tại Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.

“Đầu tư vào trung tâm này, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi về thủ tục hành chính, hải quan, thuế, đất đai… theo Nghị quyết 45 của Quốc hội dành cho TP Cần Thơ” – ông Hè thông tin.

Cạnh đó, ông cũng mong các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu chăn nuôi tập trung, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

can-tho-quy-hoach-khu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-2-1730622032.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố. (Ảnh CTV)

Nhận định về vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, TS Nguyễn Trọng Uyên, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (thuộc Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, hiện nay các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, khiến việc khuyến khích, nhân rộng gặp nhiều khó khăn.

Để quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao của TP Cần Thơ, TS Nguyễn Trọng Uyên cho rằng, phải xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu. Nhất là hệ thống giao thông, vận chuyển, điện trong và ngoài các khu. Như thế sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư giảm bớt chi phí trong tiếp cận đầu vào và mở rộng thị trường đầu ra.

can-tho-quy-hoach-khu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-3-1730621936.jpg
Tại Cần Thơ có nhiều mô hình nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, TP Cần Thơ cần ưu tiên thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt, phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ.

Sau đó, từng bước thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, mỗi ngành (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) chỉ thành lập một khu, ưu tiên những khu có tiềm năng, khả năng thu hút đầu tư cao để đưa vào hoạt động trước, sau đó rút kinh nghiệm. Khi tỷ lệ lấp đầy ở các khu nông nghiệp công nghệ cao đạt từ 60 – 70% mới tính đến phương án mở khu mới.

TP Cần Thơ cần tiếp tục xây dựng chính sách đặc thù, ưu đãi, hỗ trợ với các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ. Việc kêu gọi đầu tư cần đa dạng hình thức, đặc biệt là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)./.

Bình Nguyên