Các giao dịch dân sự bằng việc lập vi bằng của cơ quan thừa phát lại

Năm 2019, cơ quan thừa phát lại đi vào hoạt động và việc lập vi bằng được pháp luật cho phép thực hiện trong các giao dịch dân sự. Có lúc, có nơi việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, phạm vi, giá trị pháp lý của vi bằng hoặc lập vi bằng trong trường hợp bị pháp luật cấm. Chẳng hạn như: lập vi bằng với trường hợp chuyển nhượng đất đai không đủ điều kiện chuyển nhượng, vi phạm đời sống riêng tư, thuộc lĩnh vực hoạt động của các cơ quan khác…

* Các trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng

Khoản 4, Điều 32, Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, HTX (có hiệu lực từ 1-9-2020) quy định, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi lập vi bằng trái với quy định pháp luật.

ls-lam-thi-mai-1635517205.jpg
Luật sư Lâm Thị Mai

Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, có hiệu lực từ ngày 24-2-2020 (viết tắt Nghị định 08) không cho phép thừa phát lại lập vi bằng với trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng việc viết giấy tờ tay. Hơn nữa, việc xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực, không thuộc lĩnh vực của thừa phát lại thực hiện. Đồng thời, do diện tích đất nông nghiệp chuyển nhượng không đủ điều kiện tách thửa theo quy định của tỉnh (từ 500m2 trở lên) nên bị cấm, dẫn tới giao dịch đó dù các bên tự nguyện giao kết vẫn vô hiệu.

Hiện tại, nhiều người hiểu sai và thực hiện không đúng việc lập vi bằng cho giao dịch chuyển nhượng đất đai, nhà ở. Điều này trong thực tế đã từng xảy ra và được các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động này cảnh báo, nhắc nhở, xử lý. Do đó, Nghị định 08 cấm thừa phát lại lập vi bằng đối với trường hợp các bên mua bán nhà đất giấy tờ tay là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, góp phần ngăn chặn các giao dịch mua bán nhà đất không đúng quy định pháp luật; đảm bảo cho các ngành nghề trong quá trình hoạt động luôn tuân thủ pháp luật, cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, khi nhận thức đúng, người dân sẽ nói không với việc mua nhà đất bằng giấy tờ tay, không đủ điều kiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại cho bản thân, các rủi ro pháp lý liên quan”.

* Hiểu đúng về lập vi bằng

Để giúp người dân hiểu đúng, chính xác thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng, thừa phát lại chỉ được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Nghị định 08 quy định rất nhiều trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng như: xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng…

“Một vấn đề rất quan trọng nữa mà người dân cần lưu ý là thừa phát lại không được lập vi bằng trái đạo đức xã hội như: ghi nhận việc cha từ con; vợ chồng đánh, cãi nhau; quan hệ bất chính. Nhất là vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo Hiến pháp và pháp luật là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Luật sư Lâm Mai