“Các công ty tài chính tiêu dùng gặp khó”

Các công ty tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua...
screen-shot-2023-10-31-at-44327-pm-1698745892.png
Toàn cảnh Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen”.

Khách hàng rủ nhau… “bùng nợ”

Chia sẻ tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen” sáng 31/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết, mặc dù tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn cùng với diễn biến khó lường kinh tế toàn cầu song đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%.

Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là hơn 135,9 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống.

Tuy nhiên, lãnh đạo VNBA cũng đưa ra một thông tin không mấy tích cực khi hiện nay, hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao.

“Nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao”, ông Hùng cho biết.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB SHINSEI (Mcredit) nhận định, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua.

Số liệu thống kê cho thấy, dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023. Con số nợ xấu này, theo ông Ninh, là rất đáng báo động.

Nguyên nhân thực trạng trên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý.

Cụ thể, có nhiều khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.

“Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook …. nhưng không hề bị xử lý”, ông Hùng cho biết.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Là người trong cuộc, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Quyền Tổng giám đốc FE Credit nhận định, đây là một thực trạng vô cùng nhức nhối của các công ty tài chính hiện nay.

“Tình trạng các nhân viên đòi nợ bị gây khó khăn ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn. Tại FE Credit, nếu trong năm 2019 – 2020 chúng tôi chỉ ghi nhận vài trường hợp thì chỉ tính từ cuối năm 2022 đến nay tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, đã có tới 24 vụ. Nguyên nhân một phần là do hiểu biết của người đi vay chưa thực sự đầy đủ, chưa nhận thức được hậu quả…

Mặc dù các quy chế đã tương đối rõ ràng nhưng việc đưa vào thực tế vẫn chưa mang tính răn đe. Điều này đang gây rất nhiều khó khăn cho các công ty tài chính”, bà Nguyệt nói.

Ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh cho biết, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã khá hoàn chỉnh, có các chế tài từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, các chế tài này vẫn chưa được áp dụng vào thực tế.

“Các công ty tài chính đã được cấp phép rất khó có thể đưa khách hàng ra tòa để giải quyết vì các khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ trong khi chi phí cho việc kiện tụng cùng thời gian chờ đợi quá lâu nên không khả thi”, ông Thanh nói.

Theo đó, Luật sư đề xuất các công ty tài chính có thể xem xét thỏa thuận với khách hàng sử dụng trung tâm trọng tài thương mại để có thể giải quyết vụ việc nhanh hơn.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, đang có sự không đồng bộ trong các quy định về lãi suất giữa các luật.

Cụ thể, Bộ Luật dân sự quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm trong khi luật chuyên ngành lại đang được quy định bằng cụm từ “theo thoả thuận”. Do có sự khác biệt giữa các luật nên gần như cơ quan Công an đang tạm hiểu rằng lãi suất cứ trên 20% là vi phạm pháp luật dân sự.

“Thông thường các nước rất ít áp trần lãi suất, vì đây chính là rào cản tiếp cận tín dụng. Để giải quyết vấn đề, về lâu dài, chúng ta cần phân tách thành 2 luật riêng biệt cho các ngân hàng thương mại và cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó áp dụng ngưỡng nợ xấu và trần lãi suất riêng cho từng nhóm”, chuyên gia đề nghị.

Trần Thúy