Cả nước hiện có 51 cơ sở chuyên sản xuất giống cá biển

Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển. Đặc biệt một số tỉnh phía bắc có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ thuận lợi cho nuôi lồng bè.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đến nay tổng diện tích nuôi cá biển cả nước là khoảng 500.000ha. Trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển đạt 153.300ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha; nuôi tại vùng biển xa bờ 100.000ha.

Hiện nay, hình thức nuôi lồng bè đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Nhiều loại cá nuôi lồng bè có hiệu quả kinh tế cao như: Cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển... Ngoài ra, cả nước hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển (sản lượng đạt 509 triệu con) và 387 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể (sản lượng đạt 41,1 tỷ con).

07-1663862390.jpg
Nuôi lồng bè đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh minh họa

Để phát triển nghề nuôi lồng bè trên biển, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống. Cùng với đó, cần ứng dụng và phát triển công nghệ mới nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường; đổi mới, xây dựng các chương trình đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp, tương đồng khu vực và thế giới...

Mặc dù nghề nuôi cá lồng bè trên biển đã và đang đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy có những khó khăn, tồn tại trong công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng đầu vào, vấn đề thức ăn và môi trường, việc liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ... Bên cạnh đó, khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế; công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với thời tiết Việt Nam chưa phát triển.

Thi Nguyên (t/h)