Dấu ấn đảng viên Bộ đội Biên phòng ở Cà Mau

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau giới thiệu 3 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện và 18 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, thị trấn biên giới biển. Đơn vị đã phân công 52 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ các khóm, ấp ven biển và 128 đồng chí phụ trách 632 hộ gia đình trên địa bàn. Tham mưu giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền biên phòng toàn dân,

Trung tá Đặng Việt Hùng - Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Cà Mau cho biết: "Năm 2012, Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Quy định tạm thời số 09, ngày 03/12/2012 Quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ ấp, khóm ven biển thuộc các xã, thị trấn khu vực biên giới biển.

Trên cơ sở đó, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã phối hợp Huyện ủy 6 huyện ven biển thống nhất nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện. Theo đó, đảng viên đồn Biên phòng được giới thiệu tham gia sinh hoạt tại chi bộ ấp, khóm ven biển thuộc các xã, thị trấn khu vực biên giới biển vừa có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên đã được quy định tại Điều 2, Chương I Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm vụ do cấp ủy, chỉ huy đồn Biên phòng giao; đồng thời tham gia sinh hoạt tại chi bộ ấp, khóm ven biển thuộc các xã, thị trấn khu vực biên giới biển để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, gần gũi, củng cố mối quan hệ mật thiết với nhân dân".

Nội dung tham gia sinh hoạt theo Quy đinh tạm thời số 09 cũng xác định rõ "Thông báo một số tình hình có liên quan đến hoạt động bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương cho chi ủy, chi bộ ấp, khóm nắm. Những nội dung thông báo phải được cấp ủy, chỉ huy đơn vị thông qua”.

"Ngày 01/4/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau có Kết luận số 46-KL/TU, về việc tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng theo Kết luận 68-KL/TW, ngày 02/5/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Huyện ủy các huyện ven biển thống nhất giới thiệu 03 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện và 18 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, thị trấn ven biển", Trung tá Đặng Việt Hùng thông tin thêm.

Trong chuyến công tác đầu năm mới, chúng tôi về địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đây là địa phương thuộc khu vực biên giới biển, do Đồn Biên phòng Sông Đốc quản lý và Thượng úy Võ Tiệp Khắc, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Bạc, Đồn Biên phòng Sông Đốc được giới thiệu tham gia Ban chấp hành Đảng bộ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đồng chí Khắc trực tiếp phụ trách và tham gia sinh hoạt tại Chi bộ ấp Kinh Hòn nên đã có nhiều đóng góp bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho một số hộ dân và xây dựng mối quan hệ, đoàn kết gắn bó quân dân.

anh-1-1676996044.JPG

Thượng úy Võ Tiệp Khắc trao đổi kinh nghiệm nuôi cá với anh Nguyễn Văn Quýt.

Ông Dương Văn Tường, Bí thư chi bộ ấp kinh Hòn đưa chúng tôi thăm mô hình nuối cá lóc trong lưới mành của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Quýt, ngụ ấp Kinh Hòn. Anh Quýt cho biết, lúc đầu chỉ nuôi có 2 mùng, có 10.000 con, nhưng đến nay đã nuôi được 6 mùng và sản lượng hiện tại lên đến khoảng 3 tấn cá. Do cá nuôi chủ yếu được cho ăn từ cá phân, cá tạp được đánh bắt từ biển mang về nên giá thành rất rẻ chỉ từ 6.000 – 7.000 đồng/kg. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 300g/con trở lên thì thu hoạch lần 1 khoảng 50% và sau 2 tháng tiếp theo sẽ thu hoạch số còn lại đạt trọng lượng 500g/con.

Hiện nay, giá cá lóc bán ra từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại trung bình khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Đến nay, có hơn 10 hộ nuôi cá lóc trong lưới mành, có từ 50 – 60 mùng, với diện tích mặt nước nuôi hơn 3.000m2. Sắp tới, Chi bộ ấp Kinh Hòn sẽ đề xuất thành lập tổ hợp tác nhằm hướng đến việc nuôi bền vững các loại cá nước ngọt hay ếch, ba ba để có đầu ra ổn định hơn.

“Trước đây bà con nuôi cá cũng hay bị những đối tượng xấu phá quấy, trộm cắp vặt, nhưng nhờ có anh em ở Trạm Kiểm soát Biên phòng và Công an địa phương thường xuyên phối hợp tuần tra nên tình hình an ninh luôn ổn định; bà con an tâm lao động, sản xuất. Tình cảm càng thêm gắn kết, quân dân như một nhà”. Anh Quýt chia sẻ!

anh-2-1676996044.JPG

Người dân ấp Kinh Hòn an tâm lao động sản xuất.

Cùng ấp Kinh Hòn, hộ anh Võ Quốc Phục nuôi bò vỗ béo với việc lấy công làm lời, nhưng lại hiệu quả hơn mong đợi. Anh Phục cho biết, anh quê ở Long An, làm nghề chạy xe đường dài, nên cũng biết được nhiều nơi nuôi bò cho thu nhập cao. Khi về xã Khánh Bình Tây (quê vợ) thấy điều kiện thức ăn của bò rất phong phú nên quyết định bỏ nghề chạy xe, đầu tư nuôi bò sinh sản và bò vổ béo.

Ban đầu, chỉ nuôi 2 cặp bò bố mẹ, đến nay bò đã sinh sản tăng số lượng, cùng với mua thêm bò thịt hiện đã có 17 con lớn, nhỏ trong chuồng. Quy trình nuôi của anh từ con bò đực khoảng từ 200 - 300kg trở lên (loại bò gầy yếu) về vổ béo, sau 5 – 6 tháng nuôi, bò đạt trọng lượng khoảng 400 đến 500kg sẽ bán cho thương lái mổ thịt, với cách nuôi này mỗi con như vậy anh thu lời từ 10 - 15 triệu đồng. Ngoài ra tận dụng phân bò phơi khô bán cho các nhà vườn trồng cây ăn trái và cây cảnh mỗi năm cũng thu thêm hơn 20 triệu đồng.

“Đây là mô hình nuôi bò đầu tiên ở xã Khánh Bình Tây, vì vậy gia đình luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh em Đồn Biên phòng Sông Đốc, trực tiếp là chú Khắc và cấp ủy, chi bộ ấp Kinh Hòn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, khuyến khích gia đình mở rộng chuồng trại. Gia đình rất phấn khởi, an tâm vì tình hình an ninh, trật tự ở địa phương luôn ổn định, bà con xóm giềng đoàn kết. Hiện tại, sản lượng bò thịt cung ứng ra thị trường không đủ, nên trong thời gian tới gia đình quyết tâm tăng đàn. Để đạt được kế hoạch như vậy, gia đình sẽ mở rộng chuồng trại, mua thêm thiết bị kỹ thuật chăm sóc và học hỏi thêm kinh nghiệm trong thời gian tới”, anh Phục phấn khởi chia sẻ.

imgp7832-1676995979.JPG

Với nghề nuôi bò thương phẩm anh Phục thu lời từ 10 - 15 triệu đồng/con bò.

Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây cho biết: "Cùng với nổ lực của địa phương, thời gian qua, Đảng ủy – Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình khó khăn, hộ đồng bào dân tộc và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Bên cạnh đó, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Sông Đốc đã phân công 2 đảng viên về tham gia sinh hoạt tại chi bộ các ấp ven biển. Những đóng góp của các đảng viên biên phòng đã góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng xã Khánh Bình Tây đạt chuẩn đô thị loại 5".

Ông Dương Văn Tường, Bí thư chi bộ ấp Kinh Hòn chia sẻ, trên địa bàn ấp có cửa biển Đá Bạc, với gần 300 phương tiện lớn nhỏ, hoạt động các nghề đánh bắt thủy sản của địa phương thường xuyên ra vào neo đậu, mua bán trao đổi hàng hóa; đặc biệt có điểm du lịch Hòn Đá Bạc, thu hút lượng lớn du khách từ khắp nơi về thăm quan du lịch. Từ đó tình hình an ninh trật tự có lúc mất ổn định.

Nhưng từ khi có cán bộ, đảng viên BĐBP về tham gia sinh hoạt đảng tại Chi bộ, thì các đồng chí đã giúp đỡ chi bộ, ban nhân dân ấp chủ động hơn trong việc nắm tình hình địa bàn; đồng thời giúp đảng viên chi bộ nắm rõ hơn, nhanh hơn những nội dung cần thiết về hoạt động công tác biên phòng để phối hợp thực hiện.

Được cung cấp tài liệu, tờ rơi chúng tôi đã phối hợp tuyên truyền cho bà con nhân dân nắm và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đặc biệt đối với ngư dân hoạt động trên biển phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định vùng tuyến được đánh bắt, cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển.

anh-3-dong-chi-khac-1676995979.jpg

Đồng chí Võ Tiệp Khắc, phát biểu trong ngày nhận Quyết định tham gia cấp ủy Đảng bộ xã Khánh Bình Tây (năm 2021).

Trung tá Đặng Việt Hùng cho biết thêm: "Để phát huy hơn nữa vai trò của đảng viên biên phòng tham gia cấp ủy, cấp huyện, cấp xã, thị trấn; đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ các ấp, khóm ven biển thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, quán triệt nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tình hình nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố cơ sở chính trị, quốc phòng, an ninh của địa phương; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trong sạch lành mạnh, giản dị, gần dân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng phối hợp tốt với địa phương tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng trong công tác xây dựng Đảng cho cán bộ, đảng viên biên phòng.

Bên cạnh đó, Đảng ủy BĐBP tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin với Huyện ủy các huyện ven biển, sau đó chỉ đạo cho cấp ủy, chỉ hủy các đồn Biên phòng phối hợp Đảng ủy các xã, thị trấn trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, nhận xét đánh giá kết quả tham gia sinh hoạt để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, nhân rộng những việc làm hay; tạo điều kiện tốt nhất để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ".

Bài, ảnh: Lê Khoa