Bức tranh tươi sáng của kinh tế nông nghiệp, công nghiệp Lào Cai

Lào Cai - Vừa chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lại phải đương đầu với những khó khăn do sự bất ổn của chính trị - kinh tế thế giới, nhưng năm 2022, cùng với đất nước, tỉnh Lào Cai hiển hiện bức tranh “gam màu sáng” tăng trưởng kinh tế.

Lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản, năm 2022 tỉnh Lào Cai đạt 8.866,13 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 5,34%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng, nông nghiệp giảm còn 78%, lâm nghiệp tăng lên 17%, thủy sản chiếm 5%. Giá trị sản phẩm canh tác đạt 90 triệu đồng/ha, tăng 5,9% (tăng 5 triệu đồng/ha) so với năm 2021.

lao-cai-1672645066.jpg
Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Xuân Hiền)

Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, tỉnh Lào Cai đều có sự phát triển rõ nét và bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Có thể kể đến như vùng sản xuất chè ở các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà; vùng sản xuất dược liệu tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát và thị xã Sa Pa; vùng sản xuất chuối, dứa tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng; vùng sản xuất quế tại các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn…

Đồng thời, các địa phương tập trung phát triển những sản phẩm tiềm năng như cây ăn quả ôn đới, rau trái vụ, hoa, cây dâu tằm, cá nước lạnh. Đặc biệt, năm 2022, sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, khẳng định là trụ cột của nền kinh tế tỉnh. Đây là động lực và kỳ vọng mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xanh trong thời gian tới.

Đối với sản xuất công nghiệp tuy có những khó khăn trong nhập nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm do tình hình thế giới biến động khó lường, bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine và dịch Covid-19, nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng và là trụ đỡ của nền kinh tế.

Nhận diện những khó khăn và kiên định mục tiêu hướng đến, ngành công thương Lào Cai chủ động nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để định hướng, kịp thời hỗ trợ hoặc đề xuất với các cấp, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp duy trì năng lực sản xuất.

Các doanh nghiệp cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường năng lực quản trị, cơ cấu lại lao động, đẩy mạnh chuyển đổi, tăng kết nối để đảm bảo chuỗi cung ứng... Do vậy, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 46.023 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch năm, tăng 11,7% so với năm 2021. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp cả năm đạt 3.700 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm, tăng 5,08% so với năm 2021.

vit-1672645117.jpg
Mô hình nuôi vịt bầu đặc sản ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên. (Ảnh: Xuân Hiền)

Về đầu tư phát triển và xây dựng cơ bản, được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và kế hoạch đề ra. Đây là kết quả của sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nỗ lực của các ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế là ngành du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đã phục hồi mạnh mẽ. Toàn tỉnh thu hút 4,3 triệu lượt khách du lịch, vượt 7,5% kế hoạch năm, tăng 305,8% so với năm 2021.

Theo đó, doanh thu từ dịch vụ, du lịch đạt 15.130 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, tăng 342% so với năm 2021. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 31.246 tỷ đồng, bằng 101,8% kế hoạch năm, tăng 56,3% so với năm 2021.

Góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng còn phải kể đến hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn. Ngành ngân hàng đã tích cực thúc đẩy thị trường vốn phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 12,3% so với thời điểm 31/12/2021, chiếm 73,3% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ toàn địa bàn là 53.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương là 51.314 tỷ đồng.

che-1672645177.jpg
Khâu đóng gói của Công ty Chè Đại Hưng. (Ảnh Xuân Hiền)

Chất lượng giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được thực hiện tốt hơn; công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường.

Với sự chủ động trong các quyết sách điều hành, bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều điểm sáng, là tín hiệu tích cực để có thêm quyết tâm và kỳ vọng vào một năm mới, một giai đoạn mới thành công hơn.