Bộ Công Thương lấy ý kiến lần 2 dự thảo Nghị định mới về xuất xứ hàng hoá

Nghị định mới thay thế Nghị định 31/2018/NĐ-CP về xuất xứ hàng hoá hướng tới mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ uy tín hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh các cam kết FTA ngày càng sâu rộng và tình hình thương mại quốc tế phức tạp.
a2-ca73b-1748013832.jpg
Bộ Công Thương lấy ý kiến lần 2 dự thảo Nghị định mới về xuất xứ hàng hoá

Chiều 23/5, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo lần thứ hai Nghị định về xuất xứ hàng hoá. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Bộ Tài chính, các cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), đại diện các hiệp hội ngành hàng cùng hơn 100 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và logistics.

a1-1c4c7-1748013832.jpg
Ông Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, cho biết, ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn thực thi, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác cấp C/O, kiểm tra, xác minh và xử lý gian lận xuất xứ.

Việc ban hành Nghị định 31/2018/NĐ-CP đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường. Đồng thời, Nghị định cũng giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.

Đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành tổng cộng 47 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành nghị định, bảo đảm nội luật hóa các quy định của WTO và cam kết tại các FTA. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2024, Việt Nam đã triển khai cấp C/O điện tử với 13 mẫu gồm: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VK, AK, D, VN-CU và S. Với một số mẫu như D, AK, VK (sang Hàn Quốc), việc truyền dữ liệu được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, giúp tiết giảm đáng kể thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Sau 7 năm thực hiện, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA với nhiều cam kết sâu rộng, Nghị định 31/2018/NĐ-CP bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Theo ông Nguyễn Anh Sơn, những vấn đề phát sinh cần được điều chỉnh bao gồm: thủ tục áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, xử lý hành vi gian lận, yêu cầu về hồ sơ cấp C/O, hồ sơ thương nhân, quy trình lưu trữ, kiểm tra…

a6-b4a63-1748013832.jpg
Bà Trần Thanh Bình - Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hoá - Cục Xuất nhập khẩu trình bày nội dung tổng kết đánh giá kết quả triển khai Nghị định 31/2018/NĐ-CP

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu ngày càng gay gắt, thương mại quốc tế diễn biến khó lường, một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, áp dụng biện pháp thuế quan đối ứng khiến tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp gia tăng. Đây là yếu tố thôi thúc việc sửa đổi Nghị định 31 để kịp thời ứng phó, bảo vệ uy tín và quyền lợi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Sơn nhấn mạnh thêm, mục tiêu của nghị định mới là xây dựng hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hoá đồng bộ, minh bạch, đầy đủ hơn, phù hợp với Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương và các điều ước quốc tế. Cùng với đó, quy trình cấp C/O sẽ được cải tiến theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro, phòng ngừa hành vi gian lận và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Tại hội thảo, bà Trần Thanh Bình – Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá trình bày báo cáo tổng kết quá trình triển khai Nghị định 31/2018/NĐ-CP, đồng thời đánh giá các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện. Bà Trần Minh Trang – Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá cũng giới thiệu những điểm mới của dự thảo lần hai, nhấn mạnh tính cập nhật và khả năng triển khai trong giai đoạn tới.

a8-bcb64-1748013832.jpg
Bà Trần Minh Trang - Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hoá - Cục Xuất nhập khẩu phát biểu về những điểm mới của dự thảo nghị định

“Ban soạn thảo và Tổ biên tập rất mong tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ các đại biểu, hiệp hội, doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn,” ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.

Dự kiến, dự thảo Nghị định về xuất xứ hàng hoá sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 5/2025./.

Sau Hội thảo, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp thu ý kiến của các đơn vị Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng cùng toàn thể doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại bền vững.

 

 

Xuân Hiếu