Bộ Chính trị - Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68

Sáng 18/5, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới hơn 100 điểm cầu trên cả nước.
mg-8210-1747533603.JPG
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu các bộ, ngành, địa phương, sáng 18/5. Ảnh: Truyền hình trực tiếp

Hội nghị toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Hội nghị được kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới các điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Trước khi khai mạc Hội nghị, các đại biểu đã tham quan triển lãm chuyên đề về “Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật” và “Phát triển kinh tế tư nhân”, cùng các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu.

Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân”. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật”.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị, định hướng triển khai thực hiện hai nghị quyết lớn của Đảng trong thời kỳ mới. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và 68.

Nghị quyết 66-NQ/TW: Hoàn thiện pháp luật – Kiến tạo nền tảng phát triển

Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị xác định đến năm 2030, Việt Nam xây dựng được hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, minh bạch và khả thi. Hệ thống pháp luật này là nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

mg-8193-1747533603.JPG
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, tại Hội nghị toàn quốc sáng 18/5. Ảnh: Truyền hình trực tiếp

Mục tiêu đến năm 2025 là cơ bản tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong quy định pháp luật; đến năm 2027 hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình chính quyền ba cấp; đến năm 2028 hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đưa môi trường đầu tư Việt Nam vào nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN.

Về tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống pháp luật của Việt Nam sẽ đạt chất lượng cao, hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế, được thực thi nghiêm minh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 68-NQ/TW: Kinh tế tư nhân – Động lực quan trọng của nền kinh tế

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị xác định phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, tạo động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân trong giai đoạn tới.

mg-8218-1747533609.JPG
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, sáng 18/5. Ảnh: Truyền hình trực tiếp

Đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp, tương ứng với 20 doanh nghiệp/1.000 dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế tư nhân đóng góp 55–58% GDP, 35–40% tổng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho 84–85% lao động cả nước. Năng suất lao động tăng bình quân 8,5–9,5%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; đạt trên 3 triệu doanh nghiệp hoạt động và đóng góp trên 60% GDP.

Việc quán triệt và triển khai thực hiện hai nghị quyết số 66 và 68 của Bộ Chính trị có ý nghĩa chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc đổi mới mạnh mẽ thể chế pháp luật và phát huy tối đa vai trò, tiềm năng to lớn của khu vực kinh tế tư nhân, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới./.

Xuân Hiếu