Bến Tre: Linh hoạt phục hồi kinh tế với 3 động lực tăng trưởng chính

Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không khí Xuân Nhâm Dần 2022 vẫn đang tràn về trên khắp mọi nẻo đường trên quê hương xứ dừa Bến Tre. Trong niềm hân hoan chào đón mùa Xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và người dân vùng đất được hình thành bởi ba dãy cù lao mang theo bên mình khát vọng chuyển mình vươn lên mạnh mẽ về mọi mặt, hướng đến xây dựng quê hương Đồng Khởi trở thành tỉnh khá ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025.

* Nỗ lực phục hồi kinh tế

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, quán triệt sâu sắc tinh thần "Đồng thuận-Sáng tạo" và phương châm hành động "Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân và đồng hành cùng doanh nghiệp", ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ phát triển toàn diện kinh tế-xã hội theo kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động nặng nề đến đời sống nhân dân và mọi mặt hoạt động phát triển kinh tế -xã hội của địa phương nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đồng lòng, chung sức khắc phục khó khăn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.Do vậy, kinh tế của tỉnh từng bước được phục hồi, giữ mức tăng trưởng GRDP dương cả năm, đứng thứ 7/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre Dương Văn Phúc thông tin, mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng trong năm 2021, kinh tế của Bến Tre vẫn có những bức tranh màu sáng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 0,53%; thu ngân sách nhà nước trên 5.700 tỷ đồng, vượt 20,7% kế hoạch Trung ương giao, tăng 8,1% so năm 2020; giải ngân vốn đầu tư công đạt 93%. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu các sản phẩm dừa gần 400 triệu USD.

Để có những con số tượng ấn tượng trên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, thích ứng linh hoạt trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội với những giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; chú trọng, quan tâm, chủ động kết nối, đổi mới cách làm trong xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, tham gia chuỗi giá trị.

Ông Dương Văn Phúc cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước đã được khôi phục. Đến nay, Bến Tre có 4.154 doanh nghiệp đang hoạt động với 98.295 lao động, đạt tỷ lệ 96% trên tổng số doanh nghiệp hoạt động; 46.876 hộ kinh doanh với 87.058 lao động, đạt tỷ lệ 94,72% trên tổng số hộ kinh doanh hoạt động. Trong số đó, có 5 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" với 300 lao động; 4.149 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới với 97.995 lao động.

Với phương châm " đồng hành cùng doanh nghiệp", tỉnh xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những giải pháp quan trọng. Với sự nỗ lực và quyết tâm của hệ thống chính trị, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Bến Tre xếp vị trí thứ 8/63/tỉnh, thành thuộc nhóm điều hành tốt.

dsc-9494-1643691407.jpeg
Một góc thành phố Bến Tre

*Quyết tâm đạt mức tăng trưởng 8-8,5%

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, năm 2022 là năm thứ hai triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề để phục hồi, phát triển và thúc đẩy tăng trưởng trong cả giai đoạn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh tiếp tục quán triệt phương châm "Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân và đồng hành cùng doanh nghiệp".

Theo đó UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mức tăng trưởng kinh tế GRDP từ 8-8,5% và hoàn thành cao nhất 22 chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, xuất nhập khẩu, thúc đẩy thị trường tiêu dùng vẫn là 3 động lực tăng trưởng chính của tỉnh. Vì vậy, để đạt mức tăng trưởng trong năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện linh hoạt các chính sách để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, tỉnh Bến Tre chuẩn bị triển khai, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hiệu quả ngay từ đầu năm 2022, nhất là các công trình, dự án trọng điểm đã đủ điều kiện. Trước mắt, là trong quý I/2022 phải hoàn thành việc chuẩn bị giải mặt bằng và tổ chức khởi công xây cầu Rạch Miễu 2, kết nối từ tỉnh Tiền Giang về thành phố Bến Tre với hơn 17 km. Công trình có tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng ( vốn Trung ương) và hơn 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, tỉnh đưa các dự án đã chấp thuận chủ trương vào thực hiện, nhất là các dự án năng lượng tái tạo và phát triển đô thị. Mặt khác, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bến Tre chú trọng huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo sức lan tỏa và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội bằng nhiều hình thức như đối tác công-tư (PPP), nhượng quyền thương mại, liên doanh góp vốn..., phấn đấu huy động nguồn lực xã hội 24.000 tỷ đồng trong năm 2022. Cùng với đó, tỉnh Bến Tre tăng cường xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Tỉnh kiên trì thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại để xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển địa phương.

Ngoài ra, tỉnh phát triển nhanh các ngành công nghiệp chủ lực, nhất là công nghiệp chế biến các sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu nông- thủy sản của tỉnh. Đồng thời, tập trung, dồn sức hoàn thành đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận, giao đất cho các nhà đầu tư; hoàn tất thủ tục thành lập và thu hút đầu tư khu công nghiệp An Nhơn, thu hút đầu tư và triển khai ít nhất 2 cụm công nghiệp mới.

Nếu thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên, tỉnh hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng GRDP như kỳ vọng trong năm 2022 và tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ trong các năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ.

Bên cạnh những thuận lợi, Bến Tre vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và xâm nhập mặn mùa khô 2021-2022 đang đến gần, đe dọa đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Dù vậy, trong không khí hân hoan chào đón Xuân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xứ dừa Bến Tre quyết tâm chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội và nâng cao đời sống người dân, nhằm đưa địa phương bứt phá, phát triển như kỳ vọng trong năm Nhâm Dần 2022./.