Bạc Liêu: Hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, tỉnh đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Điều này nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm và mục tiêu đóng góp của khoa học và công nghệ thông qua năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), đóng góp khoảng 35% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh vào năm 2030.

Cụ thể, tỉnh đào tạo ít nhất 10 chuyên gia năng suất và chất lượng là cán bộ của các sở, ngành, doanh nghiệp được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn; trên 250 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý năng suất và chất lượng của các sở, ngành, doanh nghiệp, giảng viên các các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo chuyên sâu các kiến thức về năng suất và chất lượng nhằm tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng gắn với những đòi hỏi mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ ít nhất 3 doanh nghiệp/năm áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh; góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế.

Cùng với đó, tỉnh còn chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP tại địa phương; áp dụng các giải pháp mới, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ khai thác, phát triển và thương mại hóa các sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.

ce7fe5b732128df97daae11282b3bd54-tom-1641962028.jpeg
Bạc Liêu hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, tỉnh vận động, hỗ trợ ít nhất 5 doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia; trong đó, có ít nhất 1 doanh nghiệp đạt Giải Vàng chất lượng quốc gia; đồng thời, tiếp tục tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn quốc gia từng bước đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

Mặt khác, Bạc Liêu còn tổ chức triển khai, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong lĩnh vực chuyên ngành (năng suất dịch công, năng suất xanh, năng suất bền vững); cũng như nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tài chính khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tranh thủ các nguồn lực, chương trình của các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng…/.