Bắc Giang tăng cường chỉ đạo phòng, diệt chuột bảo vệ cây trồng

Để chủ động phòng trừ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chuyên môn tăng cường chỉ đạo, tổ chức cho nông dân đồng loạt ra quân diệt chuột, bảo vệ cây trồng ngay từ đầu vụ.
diet-chuot-gay-hai-1712296276.png
Nghiêm cấm việc dùng điện để đánh chuột và cấm dùng các loại thuốc ngoài danh mục thuốc BVTV được dùng tại Việt Nam để diệt chuột. Ảnh minh họa

Theo Sở NN&PTNT, vụ Chiêm xuân 2023-2024 toàn tỉnh Bắc Giang dự kiến gieo trồng 65,8 nghìn ha, trong đó lúa 46,2 nghìn ha, ngô trên 3,1 nghìn ha, lạc trên 5,3 nghìn ha, khoai lang trên 1,1 nghìn ha, rau các loại 7,2 nghìn ha. Đến nay, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, lúa đang giai đoạn bén rễ - hồi xanh - đẻ nhánh.

Các đơn vị tham gia diệt chuột chỉ đạo tổ chức thành lập các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “Diệt chuột tập trung” vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất hoặc trong các đợt lũ khi chuột còn đang co cụm.Với 4 phương châm: “Diệt chuột sớm, ngay từ đầu vụ”, “Diệt chuột thường xuyên, liên tục”, “Diệt chuột bằng nhiều biện pháp” và “Cộng đồng cùng tham gia diệt chuột”.

Tùy theo tình hình thực tế của địa phương chỉ đạo tổ chức từ 4-5 đợt diệt chuột với quy mô tập trung, đồng loạt vào thời điểm chuột chưa vào mùa sinh sản, nhất là giai đoạn chuyển tiếp giữa vụ Đông và Xuân (khi đồng trắng), cụ thể các đợt như sau: Đợt 1: Phụ thuộc vào thời gian gieo cấy lúa vụ Đông Xuân của từng địa phương để tổ chức ra quân diệt chuột cho phù hợp; tổ chức vào thời điểm trước khi cấy, gieo sạ; Đợt 2: Thời kỳ lúa đẻ nhánh - đứng cái vào cuối tháng 3 - đầu tháng 4; Đợt 3: Trước khi làm đất gieo cấy lúa vụ Mùa vào cuối tháng 6 đầu tháng 7; Đợt 4: Thời điểm sau khi thu hoạch lúa vụ Mùa (trước thời điểm gieo trồng cây vụ Đông).

chuot-can-lua-1712296446.jpg
Chuột cắn lúa gây thiệt hại cho người nông dân. Ảnh minh họa

Trong Kế hoạch nêu rõ, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng diệt chuột bằng bẫy cây trồng (TBS), bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt, khuyến khích diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như: Đào bắt, quây bắt, thường xuyên cắt cỏ bờ, phát quan bụi rậm, hạn chế gò đống, thu dọn tàn dư cây trồng ở vụ trước để hạn chế nơi cư trú của chuột; sử dụng bẫy chuột và bả diệt chuột sinh học thuộc danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam để diệt chuột. Tổ chức diệt chuột cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương máng và các diện tích đất bỏ hoang. Tuyệt đối không dùng kích điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam để diệt chuột.

Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả các đợt diệt chuột, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật diệt chuột an toàn, hiệu quả cho nông dân và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho con người và vật nuôi.

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn, trao đổi, phối hợp, nắm chắc diễn biến và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột để tham mưu các phương án tổ chức diệt chuột đạt kết quả cao, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc diệt chuột ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng.

Không giống đa phần sinh vật gây hại cây trồng khác thường gây hại theo mùa, chuột là đối tượng gây hại nguy hiểm, có thể gây hại cây trồng quanh năm suốt từ giai đoạn gieo trồng cho đến khi thu hoạch, đặc biệt trên lúa và các loại rau màu. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến chuột phát sinh và gây hại mạnh trên đồng ruộng; trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ sinh sản của loài gây hại này rất nhanh, theo cấp số nhân. Vì vậy, việc triển khai đa dạng các biện pháp diệt chuột hiệu quả sẽ góp phần ngăn chặn nguồn chuột trên đồng ruộng, bảo vệ năng suất lúa và cây trồng./.

Trần Quỳnh