Bắc Giang đảm cung ứng hàng hóa phục vụ Tết

Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, ngành công thương tỉnh đã xây dựng, triển khai Kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn.

Theo đó, dự báo khả năng cung ứng và số lượng một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh trị giá khoảng trên 3.830 tỷ đồng; trong đó 1.872 tấn gạo, đỗ các loại; 2.494 tấn bánh, kẹo, đường, mứt, cà phê, chè; 2.177 tấn dầu ăn, nước mắm, mì chính, hạt nêm; 10.931 tấn thịt, cá, rau, củ quả; 87.000 m3 xăng dầu, LPG; khoảng 737 tỷ đồng các loại hàng hóa khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, thương nhân cần sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung đối với các nhóm hàng có nhu cầu tăng trong dịp Tết như mặt hàng nông sản khô với nhu cầu tăng từ 20-30% so với tháng trong năm; hoa cây cảnh có nhu cầu tăng 50%…

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nhâm Dần, UBND các huyện, thành phố ở tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo về cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả trên thị trường, lưu thông vận chuyển hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh trật tự vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ … trên địa bàn. Đặc biệt, quan tâm đảm bảo nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, miền núi.

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn định thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, ban quản lý, tổ quản lý chợ, siêu thị trên địa bàn triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 để duy trì hoạt động của chợ nhằm đảm bảo cung ứng, trao đổi hàng hoá, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

ttxvn-sieu-thi-1638673955.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Các địa phương trong tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh; tích cực khai thác, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống tại địa phương; đẩy mạnh tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và tạo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ cho thị trường Tết.

UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bố trí địa điểm tổ chức các chợ hoa, các điểm bán hàng lưu động trong dịp Tết; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua, bán của nhân dân nhưng phải bảo đảm phòng chống dịch COVID-19, an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Kế hoạch cũng nêu rõ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; tích cực tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, tăng cường áp dụng hình thức thương mại điện tử để phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, hàng hóa phải được phân phối rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh; mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tới khu vực nông thôn, miền núi; khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hình thức kinh doanh, mở rộng mạng lưới, tổ chức các điểm bán hàng tự chọn, bán hàng một giá, đóng túi quà… và tổ chức bán hàng lưu động đến các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp theo phương thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

Đặc biệt, hàng hóa kinh doanh phải bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng; không sản xuất, kinh doanh những mặt hàng Nhà nước cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Ông Nguyễn Quang Tấn cho biết thêm, tại Kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang có nhiệm vụ nắm bắt tình hình sản xuất, yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải theo dõi hoạt động chăn nuôi lợn, gà, dự kiến nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thịt lợn, thịt gà trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo sản lượng cung ứng cho thị trường trong các tháng cao điểm từ tháng 12/2021 đến hết tháng 2/2022, tránh tình trạng có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn.

Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sản xuất cả năm 2021 của tỉnh Bắc Giang ước đạt 34.030 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2020. Kết cấu hạ tầng thương mại của tỉnh Bắc Giang đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

Đến nay, hầu hết các chợ trong toàn tỉnh đã hoạt động trở lại bình thường đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Trong năm 2021, giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản ổn định, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đảm bảo đủ nhu cầu người dân./.