Ai đã đặt danh xưng Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ?

Nhiều người vẫn cho rằng tên gọi cả ba miền Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ là do thực dân Pháp đặt trong công cuộc khai thác thuộc địa tại Việt Nam, nhưng sự thực có phải như vậy?
chua-mot-cot-1-1695280729.webp
Chùa Một Cột tại Hà Nội.

Trước hết, cần tìm hiểu gốc rễ của từ “kỳ” trong tiếng Việt. Theo Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, “kỳ” là cõi, là khoảng đất ở chung quanh kinh thành ngàn dặm. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh lại giải thích: thuở xưa đất vuông 1.000 dặm được gọi là kỳ.

Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích rõ hơn: Kỳ là cõi, cuộc đất ngàn dặm. Tứ kỳ, hay bốn cõi trong nước An Nam là Tả kỳ, Hữu kỳ, Nam kỳ, Bắc kỳ. Vậy “kỳ” là cõi, là miền, là khu vực so với trung tâm là kinh đô (dưới thời nhà Nguyễn là Huế, Phú Xuân). Tuy nhiên, giải thích của Huỳnh Tịnh Của chỉ đúng với Nam kỳ và Bắc kỳ mà thôi.

Sau khi bãi bỏ Gia Định thành và Bắc thành cùng chức Tổng trấn, đổi đơn vị hành chính trấn, doanh thành tỉnh, vua Minh Mạng chia nước làm 6 khu vực là Nam trực gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi; Bắc trực gồm Quảng Trị, Quảng Bình; Tả kỳ gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận; Hữu kỳ gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa; và Nam kỳ gồm 6 tỉnh từ Biên Hòa đến Hà Tiên; Bắc kỳ từ Ninh Bình đến Lạng Sơn (tháng 5 năm Giáp Ngọ). Như vậy, cho tới năm 1834 vua Minh Mạng chỉ đặt danh xưng Bắc kỳ (Ninh Bình đến Lạng Sơn) và Nam kỳ (Biên Hòa đến Hà Tiên), không có danh xưng Trung kỳ.

ban-do-du-lich-hue-1-1695280776.jpg
Một góc Kinh thành Huế.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, từ năm 1887, người Pháp lấy danh xưng Đàng Trong - Cochinchine áp đặt cho Nam kỳ, danh xưng Tonkin (Đàng Ngoài) cho Bắc kỳ. Phần ở giữa, Pháp gọi là Annam hay Trung kỳ. Với mục đích “chia để trị”, thực dân Pháp đã chủ động trong việc chia cắt Việt Nam thành ba vùng với những cơ chế quản lý riêng.

Tuy nhiên, người Pháp cũng không thể để ba "kỳ" ở Việt Nam thành ba thực thể riêng biệt, nhưng cũng không thể tập hợp riêng 3 kỳ thành một liên bang vì như vậy vô hình trung lại là tái lập một Việt Nam thống nhất, điều mà người Pháp hoàn toàn không muốn.

cho-noi-tieng-o-sai-gon-ben-thanh-1695280802.jpg
Chợ Bến Thành.

Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Kinh Quốc trong cuốn “Việt Nam - Những sự kiện lịch sử” cho rằng: “Trên thực tế, khi người Pháp lo chia cắt Việt Nam, họ không bao giờ cho phép nói tới hai chữ Việt Nam mà phải thay bằng Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Hình như người Pháp thật sự tin rằng hễ không nói tới Việt Nam là có thể bóp nghẹt mọi tình cảm dân tộc”./.

Đỗ Hà ST