8X lập nghiệp thành công với nghề nuôi cấy đông trùng hạ thảo

Với bản tính say mê nghiên cứu, tìm tòi hướng đi riêng để lập nghiệp, cộng với sự cần cù sáng tạo, nam thanh niên đã thành công với mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo, đưa sản phẩm trở thành thương hiệu của địa phương, đồng thời củng cố ước mơ mang sản phẩm vươn tầm thế giới.

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tuấn (Sinh năm 1985), trú tại thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Câu chuyện của anh tiếp thêm cảm hứng khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất nghèo lam lũ, nhìn cha mẹ vất vả quanh năm bên đồng cói nhưng vẫn không đủ ăn đã thôi thúc ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo trong anh Nguyễn Văn Tuấn. Anh luôn ao ước tìm được “chân lý” để tạo dựng lối đi riêng cho bản thân, giúp gia đình đỡ phần vất vả.

3-1685716570.jpgAnh Nguyễn Văn Tuấn đang kiểm tra phôi ủ của đông trùng hạ thảo

Vốn có niềm đam mê nghiên cứu, cộng với kiến thức đã học được tại Khoa Nông – Lâm – Ngư Nghiệp của Đại học Hồng Đức, năm 2016, anh Tuấn bắt tay vào hành trình “chinh phục” ước mơ. Nhận thấy đông trùng hạ thảo từ tự nhiên rất quý, giá thành lại cao nên anh quyết tâm mày mò nghiên cứu, ươm giống, xem đây là bước khởi nghiệp, kiến tạo tương lai.

Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi đã tìm hiểu qua rất nhiều mô hình hay để lập nghiệp, nhưng tôi nhận thấy, đông trùng hạ thảo là một loại quý hiếm, vừa tốt cho sức khỏe, giá thành lại cao nên tôi đã chuyên tâm về nghiên cứu, tìm hiểu rõ các đặc tính sinh trưởng của loại này”.

Khởi nghiệp thất bại, vực dậy từ "tiền thai sản của vợ"

Năm 2016, nhận thấy thời cơ đã đến, anh Tuấn bắt đầu đầu tư máy móc, ươm phôi đông trùng hạ thảo. Do chưa có kinh nghiệm, vốn đầu tư hạn chế nên anh đã thất bại. Nhìn đồng vốn bỏ ra không thu hoạch được gì, đã có lần anh định từ bỏ ước mơ, chuyên tâm làm việc nuôi vợ con. Nhưng dường như số phận luôn mỉm cười với những người biết cố gắng, lúc anh không biết xoay vốn ở đâu thì gia đình anh lại nhận được một khoản phụ cấp nho nhỏ từ chế độ thai sản của vợ.

1-1685718023.jpgSau 60-75 ngày nuôi cấy, có thể thu hoạch đông trùng hạ thảo 

Nhớ lại khó khăn những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tuấn chia sẻ: “Bao nhiêu vốn liếng tích cóp đã đầu tư vào máy móc… Do chưa có kinh nghiệm nên phôi đã bị chết, trong khi tiền không còn, vợ lại mới sinh, tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ. May mắn khi tôi đang bế tắc thì lại nhận được một khoản tiền thai sản từ vợ. Từ đó, tôi tiếp tục vay mượn thêm, xây dựng phòng nuôi tiêu chuẩn, mua nồi hấp và các dụng cụ liên quan”.

Sau nhiều lần thất bại, đông trùng hạ thảo của anh Tuấn bắt đầu có bước phát triển, “thắp sáng” lên ngọn lửa hi vọng. Tuy vậy, để có được thành công như ngày hôm nay, anh Tuấn đã gặp không ít thất bại, thậm chí có lúc tưởng như không còn cơ hội để tiếp tục. Khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán năm 2018, anh bị hỏng cả nghìn bình sản phẩm, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Với suy nghĩ “không chấp nhận thất bại”, rút kinh nghiệm từ những lần trước, anh Tuấn dần tìm ra công thức riêng cho “đứa con cưng” nhà mình, để từ đó phát triển, cho ra sản phẩm tốt. Từ giữa năm 2019 đến nay, đông trùng hạ thảo đã giúp anh gặt hái được nhiều thành công liên tiếp. Không chỉ có vậy, cơ sở sản xuất của anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 công nhân tại địa phương.

4-1685716570.jpgĐể sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn, anh Tuấn đã mở một sơ sở kinh doanh tại tiểu khu Yên Hạnh 2, thị trấn Nga Sơn

Bà Mai Thị Hoa (57 tuổi) công nhân tại xưởng sản xuất đông trùng hạ thảo của anh Tuấn chia sẻ: “Tôi vốn bận việc gia đình, cộng với tuổi cao không đi làm công nhân được nhưng từ khi cháu Tuấn mở xưởng sản xuất đông trùng hạ thảo đến nay đã tạo công việc ổn định cho chúng tôi. Công việc không đòi hỏi nhiều sức khỏe, chỉ cần chăm chỉ, thực hiện tuần tự đúng quy trình các bước là được”.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cấy đông trùng hạ thảo, anh Tuấn cho biết: “Để cấy được đông trùng hạ thảo cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau, lấy nhộng tằm, gạo lứt cao cấp, các loại vitamin B1, B12, B6... được trộn lẫn, nghiền nhỏ, cân bằng độ PH, đưa vào nồi hấp ở 121 độ C. Ngoài ra, phải luôn duy trì độ ẩm từ 85 đến 95% trong phòng nuôi. Sau khi cấy phôi giống vào đế dinh dưỡng phải để trong tối từ 7 đến 10 ngày, khi phôi ăn kín đáy mới chuyển sang môi trường ánh sáng 12 giờ mỗi ngày. Sau 60 đến 75 ngày, đông trùng hạ thảo có thể thu hoạch”.

Từ khi nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo, anh Tuấn từng bước xây dựng cho thương hiệu sản phẩm. Với tên gọi đông trùng hạ thảo Đăng Khoa, sản phẩm của anh được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, và đã có mặt tại 27 tỉnh thành phố trong cả nước. Năm 2020, cơ sở sản xuất của anh Tuấn đã cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận chưa nhiều do phải tái đầu tư nhưng đó là sự động viên lớn cho những nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ của chàng thanh niên này.

2-1685716569.jpgHiện nay, cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo của anh Tuấn có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

Vinh dự hơn, hiện nay, cơ sở sản xuất của anh đã có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh như: Đông trùng hạ thảo tươi; đông trùng hạ thảo khô; trà túi lọc đông trùng hạ thảo; mật ong đông trùng hạ thảo; rượu đông trùng hạ thảo; viên nang đông trùng hạ thảo. Từ đó, là "đòn bẩy" cho thương hiệu đông trùng hạ thảo Đăng khoa chiếm lĩnh trong thị trường tiêu dùng trong nước.

Mang sản phẩm quê hướng ra thị trường quốc tế

Những thành công hiện tại của anh Tuấn là ao ước của không ít người, thế nhưng để có được như ngày hôm nay là cả quá trình kiên trì phấn đấu không biết mệt mỏi. Ở đó là nỗ lực tạo dựng lối đi riêng, phấn đấu mỗi ngày với sự giúp đỡ, động viên từ gia đình.

Giờ đây, tuy đã làm chủ được công nghệ, nhưng hình như đối với anh Tuấn những thành công này vẫn chưa đủ, anh luôn đau đáu tìm nguồn ra cho sản phẩm của mình. Với hi vọng sản phẩm không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ trong nước, mà còn vươn xa tới các nước trong khu vực và trên thế giới.

Anh Tuấn cho biết: “Từ khi sản xuất được đông trùng hạ thảo có thương hiệu địa phương, tôi đã có ý định sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm để xuất khẩu đi các nước. Từ đó có thể mang hương vị quê hương mình đến với bạn bè các nước 5 Châu”.

Nhờ những mối quan hệ từ bạn bè, hiện nay, anh Tuấn đang tích cực kết nối, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp bên Mỹ, Canada và Đức. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở nào ký kết hợp tác, với lý do số lượng hàng cung cấp chưa nhiều.

Nắm được thị trường tiêu thụ của các nước, anh Tuấn tiếp tục đầu tư tái sản xuất, mở rộng cơ sở chế biến, tạo dựng nhiều mẫu mã, đa dạng chủng loại các sản phẩm đông trùng hạ thảo để phù hợp với từng quốc gia, khu vực. Anh mong mỏi và luôn cố gắng để thời gian tới, sản phẩm của mình có thể vươn ra thị trường thế giới.../.

Hà Khải