Quảng cáo #128

01/12 Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) đầu tiên diễn ra vào ngày 1 tháng 12 năm 1988. Đây là ngày đặc biệt được diễn ra vào ngày 1/12 hàng năm. Mục đích của ngày này là nhằm nâng cao nhận thức của mọi người trong cộng đồng về căn bệnh AIDS và tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì căn bệnh này.
5-1701177147.jpg
Ảnh minh họa

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) là ngày lễ quốc tế được cử hành vào ngày 1 tháng 12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS.

“Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” được James W. Bunn và Thomas Netter, hai viên chức thông tin đại chúng cho “Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS” của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ nghĩ ra lần đầu trong tháng 8 năm 1987. Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS (nay gọi là Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS). Dr. Mann thích sáng kiến này, đã chấp thuận và đồng ý với khuyến nghị về việc tổ chức “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.

Ngày 18.6.1986 chương trình “AIDS Lifeline” của đài truyền hình KPIX - một dự án giáo dục cộng đồng - có vinh dự được tổng thống Ronald Reagan nêu ra như một dẫn chứng về sáng kiến trong khu vực tư nhân. Do vai trò đồng sáng tạo chương trình “AIDS Lifeline” Bunn được Dr. Mann yêu cầu – nhân danh chính phủ Hoa Kỳ - nghỉ phép 2 năm (ở đài truyền hình KPIX) để theo Dr. Mann, một nhà dịch tễ học làm việc ở các Trung tâm kiểm soát bệnh, để phụ tá trong việc sáng tạo “Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS” cho Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hiệp Quốc. Bunn đồng ý và được bổ nhiệm làm Viên chức thông tin đại chúng thứ nhất cho Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS. Cùng với Netter, Bunn đã nghĩ ra, thiết kế và thực hiện lễ khai mạc “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên – nay là nhận thức và sáng kiến phòng chống bệnh kéo dài nhất trong lịch sử y tế công cộng.

Thay vì tập trung vào một ngày duy nhất, Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AID đã lập ra “Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS” vào năm 1997 để tập trung vào thông tin, phòng chống và giáo dục về HIV/AIDS quanh năm. Trong 2 năm đầu, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS tập chú vào các trẻ em và người trẻ. Các chủ đề trên lúc đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã lờ đi sự kiện là người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm HIV và bệnh AIDS.Tuy nhiên, các chủ đề đã thu hút sự chú ý tới nạn dịch HIV/AIDS, giúp giảm bớt một số kỳ thị xung quanh căn bệnh này, và giúp thúc đẩy sự nhìn nhận vấn đề là một bệnh gia đình. Năm 2004, “Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS” đã trở thành một tổ chức độc lập.

Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) ra đời năm 1996, đóng vai trò dẫn dắt đáp ứng toàn cầu với HIV. UNAIDS dẫn dắt và truyền cảm hứng cho toàn thế giới trong nỗ lực thực hiện tầm nhìn chung về Không còn người nhiễm mới HIV, Không còn phân biệt đối xử và Không còn người tử vong do AIDS. UNAIDS tập hợp nỗ lực của 11 tổ chức Liên Hợp Quốc, gồm UNHCR, UNICEF, WFP, UNDP, UNFPA, UNODC, UN Women, ILO, UNESCO, WHO và Ngân hàng thế giới, và phối hợp chặt chẽ với các đối tác toàn cầu cũng như ở cấp quốc gia nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.

Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS. Với hình tượng dải băng đỏ, có thể là buộc ở cổ tay hoặc được để ở những nơi trang trọng, chính là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bệnh AIDS. UNAIDS bắt đầu hỗ trợ Việt Nam ngay từ năm 1996 - năm thành lập của tổ chức. Một Cố vấn chương trình quốc gia được phái đến Việt Nam và một văn phòng nhỏ được mở tại trụ sở của Bộ Y tế cũng vào năm này, khởi đầu hoạt động của văn phòng UNAIDS tại Việt Nam.

Từ đó đến nay, UNAIDS đã phát triển lớn mạnh trong vai trò dẫn dắt đáp ứng với HIV trên toàn thế giới cũng như ở cấp độ quốc gia. Hỗ trợ của UNAIDS dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng đã gia tăng đáng kể. UNAIDS đang hỗ trợ Quốc hội Việt Nam và Ủy ban quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ứng phó với HIV thông qua các hoạt động tư vấn chính sách và trợ giúp kỹ thuật, nhằm xây dựng và hoàn thiện một khung pháp lý đáp ứng tích cực với các vấn đề liên quan đến HIV, dựa trên bằng chứng và cách tiếp cận về quyền con người.

UNAIDS hỗ trợ Việt Nam khởi xướng và triển khai các sáng kiến mới trong đáp ứng với HIV, nhằm tăng cường và duy trì bền vững tiếp cận tới các dịch vụ về HIV cho những nhóm người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV, tạo ra hiệu suất lớn hơn trong chương trình phòng, chống HIV, hướng tới một đáp ứng tối ưu với HIV nhằm thực hiện mục tiêu 90-90-90 và kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam. UNAIDS còn là một đối tác chính của Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối hỗ trợ quốc tế cho phòng, chống HIV và quan hệ đối tác với các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV. Các đối tác quốc tế và trong nước gồm Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét (Quỹ toàn cầu), Chương trình cứu trợ AIDS khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), Mạng lưới quốc gia của người sống chung với HIV (VNP+) và các đối tác khác.

UNAIDS cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực thực hiện mục tiêu 90-90-90 (mục tiêu 90-90-90 là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình, 90% người được chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90 % người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp) và hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 6 liên quan đến HIV/AIDS vẫn còn đang dang dở. Hiện tại, văn phòng UNAIDS ở Việt Nam do một Giám đốc Quốc gia đứng đầu, và bao gồm một nhóm cán bộ kỹ thuật hoạt động trong các mảng chương trình như thông tin chiến lược, can thiệp chiến lược, chính sách và điều phối, huy động cộng đồng và kết nối mạng lưới, và truyền thông.

Hiện nay, 3/4 số người nhiễm HIV trên thế giới đã biết được tình trạng của mình, đây là bước quan trọng để thực hiện việc điều trị. Tính đến nay, tổng số người đang điều trị HIV đạt mức kỷ lục với 21,7 triệu người, tăng 2,3 triệu người kể từ cuối năm 2016. Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), trong thế kỷ này, số người chết liên quan đến AIDS hiện ở mức thấp nhất với dưới 1 triệu người tử vong mỗi năm nhờ sự tiếp cận ổn định với việc điều trị kháng virus.

Tuy nhiên, điều trị HIV mới chỉ dừng lại ở thuốc kháng virus có tên gọi ARV. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đến nay, điều trị bằng thuốc ARV được coi là điều trị đặc hiệu vì nó làm ức chế sự nhân lên của virus, từ đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu và duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Điều đó cho thấy việc tìm kiếm một loại vaccine có thể loại bỏ được hoàn toàn virus HIV vẫn là một con đường dài, đầy gian nan. Dẫu vậy, những câu chuyện dưới đây vẫn là tia sáng để thắp lên hy vọng và động lực cho những nhà nghiên cứu đang làm việc không mệt mỏi để tìm ra lối thoát cho những người nhiễm HIV.

Timothy Ray Brown, 52 tuổi, là một trong số 70 triệu người nhiễm HIV và là người duy nhất trên thế giới được điều trị khỏi loại virus quái ác vốn tưởng như vô phương cứu chữa này. Sau khi không còn bất kỳ dấu hiệu nào của HIV, ông Brown được giới thiệu với thế giới với cái tên “bệnh nhân Berlin” bởi ông muốn giấu danh tính mình. Nhưng đến năm 2010, ông đã quyết định xuất hiện trước công chúng. Tính đến năm 2017, tổng số người nhiễm HIV trên toàn thế giới là 36,9 triệu người, trong đó tập trung đông nhất ở khu vực Bắc và Nam Phi với 19,6 triệu người. Ngoài ra, số lượng trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 1,8 triệu trẻ.

Ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành UNAIDS, chia sẻ: “Trẻ em đang bị bỏ lại phía sau. Trong khi về tổng thể, việc điều trị HIV đang ở mức cao nhưng trẻ em đang phải chịu một sự bất công rất lớn. Chỉ một nửa số trẻ em dưới 15 tuổi được điều trị vào năm ngoái”. Trẻ em từ 0-4 tuổi thường bị nhiễm HIV từ khi còn trong bụng mẹ. Dẫu vậy, trường hợp của “em bé Nam Phi” đã giúp nhiều trẻ em có thêm hy vọng sẽ không phải điều trị bằng thuốc trong những năm tháng trưởng thành. Theo một báo cáo được đưa tại hội nghị ở Paris năm 2017, một em bé bị nhiễm HIV từ khi sinh ra và trải qua một đợt điều trị ngắn đã sống sót khỏe mạnh trong suốt 9 năm qua mà không cần thêm một loại thuốc nào. Trường hợp này được thế giới biết đến với cái tên “em bé Nam Phi”.

Trước đó, vào năm 2007, một cuộc thử nghiệm trên trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ khi sinh ra đã được tiến hành tại Nam Phi, một trong những điểm nóng nhất của HIV trên thế giới. Những đứa trẻ này được lựa chọn ngẫu nhiên và chia thành hai nhóm điều trị, một nhóm được điều trị trong 40 tuần với thuốc kháng virus và nhóm còn lại là 96 tuần. “Em bé Nam Phi” này là một trong 143 đứa trẻ được điều trị trong khóa ngắn hơn. Khi quãng thời gian điều trị bằng thuốc kết thúc, các nhà nghiên cứu đã không còn tìm thấy virus HIV trong máu của em.

Các nhà nghiên cứu đã hy vọng rằng họ có thể đúc kết được nhiều từ trường hợp này để có thể cứu những đứa trẻ khác không phải dùng thuốc hàng ngày trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, hy vọng này của các nhà nghiên cứu đã tan vỡ khi họ phát hiện ra rằng “em vé Nam Phi” không hoàn toàn được chữa khỏi. Mặc dù không có sự lan truyền của HIV nhưng thông qua các kỹ thuật thử nghiệm tiên tiến, họ phát hiện ra một khối chứa virus tích hợp bên trong một tỉ lệ nhỏ tế bào miễn dịch. Nhưng xét về tổng thể, hệ thống miễn dịch của đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu nhiễm HIV cũng như các triệu chứng của căn bệnh.

Ông Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), người tài trợ cho dự án nghiên cứu, nói: “Cần nghiên cứu thêm mới có thể kết luận về sự thuyên giảm HIV trong thời gian dài của những đứa trẻ nhiễm bệnh. Tuy nhiên trường hợp này đã củng cố hy vọng cho chúng tôi rằng, bằng việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV trong giai đoạn ngắn bắt đầu từ giai đoạn phôi thai, chúng tôi có thể cứu chúng khỏi gánh nặng điều trị suốt đời cũng như hệ quả về sức khỏe”.

Câu chuyện của “em bé Nam Phi” là trường hợp thứ ba của trẻ bị nhiễm HIV mà vẫn khỏe mạnh trong một thời gian dài không cần điều trị. Trước đó, các nhà nghiên cứu đã báo cáo về một em bé Pháp sinh năm 1996 nhiễm HIV từ khi sinh ra và được điều trị khi 3 tháng tuổi. Đứa trẻ này đã sống khỏe mạnh và không tìm thấy virus HIV trong người trong suốt 11 năm sau đó. Thật khó có thể khẳng định đến khi nào con người mới có được loại thuốc chữa trị được căn bệnh này khi mới chỉ có rất ít người may mắn sống sót, trong khi con số những người mắc HIV vẫn chưa dừng lại. Đồng thời, nhiều khó khăn trong việc chữa trị HIV đang tồn tại như phân biệt đối xử, điều kiện về thiết bị, cơ sở y tế, nhận thức của cộng đồng…

Song, điều khiến chúng ta có thể lạc quan là tính đến năm 2017, 75% người sống chung với HIV đều đã hiểu được tình trạng của mình, 79% đã được tiếp cận điều trị và 81% trong số đó đã ức chế được virus HIV. Ông Sidibé khẳng định, giải pháp cho thách thức này chính là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, chính phủ các quốc gia và cộng đồng trong việc đầu tư đầy đủ về mặt tài chính và thiết lập một hệ thống pháp lý, chính sách cần thiết để đưa những sáng kiến hiệu quả đến với toàn thế giới.

Thực tế cho thấy các bệnh xã hội nói chung và AIDS nói riêng đã trở thành một trong các dịch bệnh phá hoại lớn nhất trong lịch sử. Cho đến nay chúng ta vẫn đang tập trung nghiên cứu nhằm tìm ra lọai vắc xin, thuốc đặc hiệu để tiêu diệt HIV. Mặc dù gần đây, việc điều trị và phòng chống HIV đã được cải thiện ở nhiều vùng trên thế giới, nhưng tỉ lệ người mắc HIV và số lượng người chết vì AIDS vẫn là rất lớn. Vì vậy, biết cách tự phòng cho mình và cho cộng động cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS hiện nay./.

Vĩnh Nguyên TH