Quảng cáo #128

Xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh chuyên nghiệp và sáng tạo

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh việc xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, có nhiều điểm mới, gắn với các nhiệm vụ chính trị của Thành phố.
kgvh-1730996723.png
Xây dựng “Không gian văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh” đa dạng hoá các mô hình theo cách sáng tạo.

Mới đây, Thành uỷ TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 44 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI về “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Với sự tham dự của ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, bà Phan Nguyễn Như Khuê chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, nhằm đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 44 phù hợp điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, đi vào chú trọng thực hiện hiệu quả 5 mục tiêu cốt lõi và 4 nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để đảm bảo việc xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh phải nghiêm túc, không phô trương, hình thức, không làm theo phong trào dẫn đến lãng phí nguồn lực và thiếu sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM cho biết, việc đi vào xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh tại Thành phố là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ Thành phố, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không dừng lại ở niềm vinh dự, tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Thành phố; là động lực cho sự phát triển kinh tế Thành phố.

Vì vậy, đối với nhiệm vụ quan trọng này ông Hải nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện cần chú trọng sơ kết, tổng kết, đáng giá, rút kinh nghiệm, nhất là tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên, của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học,... để kịp thời điều chỉnh, đáp ứng mục đích và những yêu cầu đặt ra.

Đồng thời, cần có giải pháp phù hợp để huy động toàn bộ các lực lượng và nhân dân Thành phố đồng lòng, tích cực tham gia và có thể thụ hưởng ngày càng nhiều các giá trị, lợi ích của việc xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hướng đến việc xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh đi vào thực tiễn một cách toàn diện, hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP. HCM đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh, nhất là trên không gian mạng.

Chẳng hạn, phát huy vai trò sáng tạo của báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật; mở các chuyên mục, chuyên đề về lịch sự văn hoá Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng cường sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, giới thiệu ký ức, hồi ức của các nhân chứng kể chuyện về Bác Hồ; giới thiệu các bài viết, công trình của các tổ chức, cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các hình ảnh, hoạt động Không gian văn hóa Hồ Chí Minh lên các trang mạng xã hội và các trang tin điện tử; triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu văn hóa Thành phố và Di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, đề cao vai trò cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chú trọng xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đồng bộ, sâu rộng, thiết thực và đem lại hiệu quả cao.

02-1730968653-1731019913.png
Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh, nhất là trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Hồ Hải cũng đề nghị đa dạng hóa xây dựng các mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các chi bộ, đảng bộ, cộng đồng dân cư, cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ sở văn học nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo...

Báo cáo kết quả một năm triển khai thực hiện, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền cho biết, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã thực hiện các không gian mở nhằm xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với hơn 4.580 mô hình. Mỗi mô hình thực hiện theo cách sáng tạo của từng địa phương, đơn vị, đặc biệt một số mô hình thực hiện tại các ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn mang lại hiệu quả cao, thu hút đông đảo người dân tham quan, học tập. Bên cạnh đó, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn cũng đã có nhiều hình thức sáng tạo bao gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể. Các trường học công lập trên địa bàn thực hiện nhiều mô hình thiết thực thu hút các em học sinh cùng tham gia sáng tạo và thiết kế.

Ở khía cạnh khác, Thành phố cũng đã huy động các nguồn lực xã hội hóa cho sự nghiệp phát triển văn hóa, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc trưng văn hóa Thành phố với cộng đồng quốc tế; hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm văn hóa đa dạng, mang nét đặc trưng của Thành phố ra nước ngoài.

Nhìn chung, Thành phố không ngừng phát huy mạnh mẽ giá trị của không gian văn hóa phi vật thể nhằm lan tỏa những giá trị vô cùng to lớn, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội hằng ngày, dần trở thành nền nếp, việc làm thường xuyên trong lối sống, nếp nghĩ của người dân, từ đó mỗi người dân tự nâng cao ý thức về vai trò, trách nhiệm công dân, góp phần xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác./.

Quốc Cường - Võ Nga