Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang được hưởng lợi từ lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và giá cả phải chăng, với tỷ lệ người trưởng thành biết chữ lên tới 98%. Đây là một trong những lý do giúp Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng...
thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-3-1723381817.jpg
Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Việt Nam là một trong 20 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới

Theo báo cáo mới đây về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, chuyên gia Jacqueline Broers đánh giá, Việt Nam là một trong 20 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, với GDP dự kiến đạt 5,8% trong năm 2024 này và 6,9% vào năm 2025 so với mức trung bình 2,3% của thế giới.

Theo chuyên gia Jacqueline Broers, một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam chính là cơ cấu dân số vàng. Chuyên gia này đồng thời cho rằng, Việt Nam đang được hưởng lợi từ  lực lượng lao động dồi dào và có trình độ học vấn cao. Cùng với đó, tốc độ đô thị hoá cao cũng góp phần thúc đẩy sản xuất và quy mô nền kinh tế:

“Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được  hưởng lợi từ lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và giá cả phải chăng, với tỷ lệ người trưởng thành biết chữ lên tới 98%. Đây là một trong những lý do giúp Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng, ví dụ Apple. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là mạnh mẽ và bền vững.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-2-1723381795.jpg
Một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam chính là cơ cấu dân số vàng. (Ảnh minh họa)

Dù còn những vấn đề về chuỗi cung ứng, song nếu chính phủ Việt Nam có thể điều hướng những yếu tố này, Utilico tin rằng Việt Nam có khả năng trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư tại châu Á" - chuyên gia Jacqueline Broers nhận định.

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC hồi tuần này cũng công bố báo cáo nhận định Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chuyên gia HSBC nhận định trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu đã tăng hơn 13% bình quân hàng năm từ 2007, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo HSBC, sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh nhờ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh, các chính sách hỗ trợ FDI và không thể không kể đến sự hỗ trợ chủ động từ chính phủ thông qua hệ thống thuế.

Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất

Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P tiếp tục duy trì đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam ở mức ổn định, phản ánh kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và những thách thức của khu vực tài chính sẽ không làm suy yếu đáng kể bảng cân đối kế toán vững chắc của chính phủ.

Theo S&P, với  nền kinh tế vĩ mô ổn định và ngày càng đa dạng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, khi các doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa hoạt động trong khu vực.

Để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, các nhà phân tích HSBC cho rằng Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa trong ngành hàng điện tử.

So với mức tăng mạnh của xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, tỷ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu vi mạch tích hợp (IC) toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm hơn.

thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-1-1723381864.jpg
Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). (Ảnh minh họa)

Mặc dù lao động có nền tảng giáo dục vững vàng, nhưng sự thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn. Điều này thôi thúc Chính phủ phải tìm cách mở rộng nguồn nhân lực ngành bán dẫn trong những năm tới.

Sự thiếu hụt nhân công có chuyên môn cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, chẳng hạn như logistics và vận tải hàng hải. Bên cạnh mở rộng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia, cần thêm nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài với nền kinh tế trong nước có thể giúp tăng lợi ích của các dòng vốn FDI ngày càng phức tạp.

Các biện pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và "xanh"...  cũng có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới, chuyên gia tổ chức này nhận định./.

Bình Châu