Cần có bộ tiêu chuẩn về xây dựng trạm sạc xe điện?

Hiện nay, việc phát triển ô tô điện gặp phải những vấn đề như: Chưa có bộ tieu chuẩn về xây dựng trạm sạc xe điện; Ngoài khó khăn về kỹ thuật, hạ tầng, việc xây dựng trạm sạc còn khó khăn trong các vấn đề về pháp lý, tiêu chuẩn thiếu đồng bộ ở các địa phương hay các quy chuẩn về an toàn cháy nổ…

Kỹ thuật chưa được áp dụng đầy đủ và đồng bộ

Hiện nay, các loại xe điện phổ biến tại Việt Nam chủ yếu là xe đạp điện và xe máy điện. Việc sạc điện cho xe được diễn ra tại nhà với nguồn điện 220V. Trong thời gian gần đây, xe ô tô điện và xe buýt điện bắt đầu được đưa vào vận hành và được sự đón nhận nhiệt tình từ phía người dân. Để đáp ứng được yêu cầu sử dụng và hoạt động vận hành, các trạm sạc được xây dựng lên một cách nhanh chóng.

Theo IEA 2018, các cấp độ sạc có thể chia thành 3 cấp độ phổ biến:

-Cấp 1: Dưới 37kW

-Cấp 2: Từ 3,7kW đến 22W (Bộ sạc chậm)

-Cấp 3: Trên 22kW (Bộ sạc nhanh)

Xe ô tô điện bốn chỗ sử dụng mức sạc tại nhà thường là 3,7 kW-7,4 kW và sạc ở nơi công cộng ở mức 11 kW-22 kW. Xe tải đô thị nhỏ thường sử dụng bộ sạc lên đến 50kW còn xe buýt có mức sạc cấp 3 với bộ sạc chậm ở 20-50kW và bộ sạc nhanh lên đến 400kW.

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn và kỹ thuật chưa áp dụng đầy đủ và đồng bộ cho các trạm sạc. Hệ thống trạm sạch đang được dùng chung giữa các nhà sản xuất và các nhu cung ứng xe điện. Điều này tạo nên sự cạnh tranh không công bằng, lãng phí nguồn lực, gây khó khăn cho việc phát triển tổng thể hệ thống trạm sạc.

Cơ sở hạ tầng chưa được đáp ứng

Theo chuyên các chuyên gia, nguồn điện cung cấp cho các trạm sạc đang là một thách thức lớn. Việc xây dựng hạ tầng trạm sạc sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống điện lực tại Việt Nam.

Theo ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, để phát triển 40.000 trụ sạc nếu tính công suất tối thiểu trụ sạc 11kW thì sẽ có khoảng 440MW được đấu nối thêm vào hệ thống. Nếu tính các đầu sạc có công suất lớn hơn thì có thể lên tới hơn 1.000MW. Con số này tương đương với khoảng 2 tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hoặc tương đương với công suất của cả nhà máy thủy điện Lai Châu.

thuy-dien-nho-1677560426.jpg
Bên cạnh các đập thủy điện lớn, thủy điện nhỏ tại địa phương cũng đang là giải pháp được cân nhắc để đảm bảo nguồn cung cấp điện

Đấy là kế hoạch của riêng hãng xe điện VinFast, nếu hướng đến mục tiêu xa hơn theo lộ trình phát triển xe điện của Chính phủ, nhu cầu điện dành cho xe điện có thể tương đương nửa công suất nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình vào năm 2030 và 2 nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình vào năm 2050.

Cần quy chuẩn đồng bộ cho trạm sạc

VinFast đã lắp lắp đặt khoảng 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh, thành phố, tính đến tháng 10/2022. Trong quá trình xây dựng các trạm sạc trên, VinFast vẫn phải áp dụng các tiêu chuẩn tương đương của quốc tế. Lý do bởi Bộ Khoa học và Công nghệ mặc dù đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống thiết bị bảo vệ trạm sạc. Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải tiếp tục xây dựng, cập nhật bổ sung thêm trên cơ sở mức độ hài hòa lớn hơn đối với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.

cong-sac-xe-dien-1677560588.jpg
Quá nhiều tiêu chuẩn cổng sạc khiến thị trường bị phân mảnh nặng và cần sớm đồng bộ để phát triển

Ngoài khó khăn về kỹ thuật, hạ tầng, việc xây dựng trạm sạc còn khó khăn trong các vấn đề về pháp lý, tiêu chuẩn thiếu đồng bộ ở các địa phương hay các quy chuẩn về an toàn cháy nổ… Những lý do này khiến người dân phản đối việc xây dựng trạm sạc mặc dù các trạm chỉ chiếm diện tích rất nhỏ.

Theo chuyên gia Khương Quang Đồng, các doanh nghiệp ngoại chưa tiến vào Việt Nam phần lớn đến từ cơ sở hạ tầng. Chỉ có VinFast nỗ lực làm trạm sạc thôi chưa đủ, mà cần phải có nhiều doanh nghiệp cùng làm. Bên cạnh đó, các chính sách, lộ trình và các tiêu chuẩn cho trạm sạc là một trong những vấn đề cần ưu tiên giải quyết.

Từng bước hoàn thiện

Thấu hiểu được những thách thức mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong việc xây dựng trạm sạc, tháng bảy vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Chương trình này đã đặt ra lộ trình phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp vào giai đoạn 2022 – 2030, và hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng điện trên toàn quốc vào giai đoạn 2031 – 2050.

tram-sac-vinfast-trong-nha-1677560700.jpg
Nhờ sự đầu tư đồng bộ, những trạm sạc cao cấp của Vinfast sẽ sớm xuất hiện trên toàn quốc

Ngoài ra, tại lễ kỷ niệm ngày tiêu chuẩn thế giới, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, đã chủ động nghiên cứu các bộ phận, cấu thành trong hệ thống trạm sạc và đã có định hướng xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia. Tổng cục TCĐLCL sẽ nghiên cứu, xây dựng, soát xét các tiêu chuẩn về trạm sạc IEC 61851, dây và cáp sạc, thiết bị bảo vệ cá nhân trong trạm sạc, thiết bị đo và hỗ trợ tính phí, hệ thống lắp đặt điện từ trạm sạc đến lưới điện, tủ điện, bảng điện cho trạm sạc…

Để thực hiện kế hoạch này, Tổng cục đã thành lập 3 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia bao gồm: TCVN/TC E1 Máy điện và khí cụ điện, TCVN/TC E4 Dây cáp điện và TCVN/TC E16 Hệ thống truyền năng lượng cho xe điện.

Ngành ô tô điện còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan nguồn điện, lưới điện, chính sách, quy mô thị trường… Tuy nhiên, những kế hoạch về cơ sở hạ tầng và các bổ sung về tiêu chuẩn trạm sạc mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện cũng giúp ngành ô tô điện giảm bớt gánh nặng.

Văn Vũ