“Con đã đứng vào chỗ cha xưa/Như cây đứng vào rừng, đá đứng vào non”

Câu thơ của nhà thơ Y Phương đã thể hiện một phần cuộc thi viết “Tiếp lửa truyền thống” dành cho đoàn viên, thanh niên - một sáng kiến hay của Huyện ủy Sóc Sơn. Cuộc thi đã giúp các em tìm đọc sách lịch sử làm bệ đỡ để phát huy truyền thống.
clb-ccb-1638862407.jpg
Người thân tặng ảnh nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao - liệt sĩ Trần Thị Bắc cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại lễ ra mắt CLB “Trái tim người lính Phù Đổng” Sóc Sơn

Trao đổi về cuốn “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn” là quá trình tương tác giữa các thế hệ, tăng cường giao lưu, tranh luận với nhau về những tấm gương tiêu biểu trong cuộc kháng chiến trước đây của cha ông - những người con của quê hương Sóc Sơn. Doanh nghiệp và Kinh tế xanh trân trọng giới thiệu bài viết của một bạn trẻ.

“Tuổi trẻ chúng tôi sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Tuy không được tận mắt chứng kiến cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, nhưng qua những trang sử mà chúng tôi được học, qua những thước phim tài liệu, những bài ca đi cùng năm tháng, những tác phẩm Văn học - Nghệ thuật, những câu chuyện kể của cha anh, âm vang hào hùng về một thời chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang, luôn vang vọng, trong mỗi chúng tôi.

Tự đáy lòng mình, tôi và những bạn bè cùng trang lứa luôn chan chứa một niềm tự hào lớn lao, mãnh liệt về lịch sử hào hùng của dân tộc ta, về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Là người con của quê hương Phù Đổng anh hùng và huyền thoại, với tôi, đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao của tuổi trẻ hôm nay khi nghĩ về: “Một thế hệ ngã xuống - Một thế hệ đứng lên!”

Theo dòng chảy của lịch sử, các cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, Sóc Sơn quê tôi lại cùng cả nước hăng say bước vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Lâu dần, rồi sẽ ít ai nhắc đến thời quá khứ, ít ai nhớ đến Cựu chiến binh (CCB) - những chiến sĩ năm xưa từng lăn lộn trên các chiến trường, họ đều là những nhân chứng sống của lịch sử, và thế hệ hôm nay cũng không còn có cơ hội để biết đến quá khứ hào hùng của quê hương mình.

Thật may mắn, khi đọc cuốn: “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn”, do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn biên soạn, đã giúp tôi càng hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước và cách mạng, khí phách quật cường bất khuất của mảnh đất và con người trên quê hương Phù Đổng Thiên vương.

Vào những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trên mọi miền Tổ quốc, đâu đâu cũng sục sôi tinh thần khí thế cách mạng, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược. Trên mảnh đất Sóc Sơn, hàng vạn người con ưu tú đã hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong đó, có những chàng trai, cô gái đang ngồi trên ghế nhà trường xếp bút nghiên lên đường đánh giặc.

Họ mang trong mình tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cũng trên mảnh đất đầy chất sử thi ấy, có cả những cậu bé. Không! Làm sao tôi có thể gọi là “cậu bé” được, bởi họ là những chiến sĩ thực thụ. Tuy còn nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi... nhưng đã theo dấu chân Phù Đổng, với ý chí kiên cường, dũng cảm, lòng căm thù giặc sâu sắc và một khát khao chiến thắng.

Càng đọc những trang sách “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn”, tôi càng như bị cuốn hút, trong lòng bỗng trào dâng niềm xúc động, trong đó có cả nỗi hổ thẹn với chính mình, khi nghĩ về người lính trận A Bia - Cựu chiến binh Đào Quang Đới ở phố Nỷ, xã Trung Giã, anh là tấm gương của thế hệ trẻ mang trong mình đầy nhiệt huyết tình yêu quê hương, đất nước. Từ những bài học về lịch sử thời dựng nước và giữ nước, Đào Quang Đới đã nuôi trong mình ước mơ sớm trở thành anh bộ đội, được cầm súng ra chiến trường đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Ước mơ ấy dường như cứ lớn mãi trong tâm trí của chàng trai trẻ.

Khi có giấy nhập ngũ, sợ không đủ cân nặng, anh đã nghĩ ra “mẹo” giấu đá trong người cho đủ cân, đủ lạng; rồi khóc lóc van xin chỉ huy đơn vị chỉ vì một ước mơ cháy bỏng là được nhập ngũ, khiến tôi nghẹn ngào, xúc động đến vô cùng. Tinh thần yêu nước của họ đẹp quá, bình dị mà cao quý quá. Những con người ấy chẳng sợ khó, sợ khổ, chỉ sợ dân mình rơi vào cảnh “nước mất nhà tan”. Chính những hành động đó đã “hóa giải” được những đắn đo, cân nhắc, suy tính thiệt hơn thường xuất hiện trong tôi như một sự yếu hèn, chỉ muốn hưởng thụ.

Trong kí ức của những người lính Sóc Sơn, thật vinh dự khi có một đơn vị mang tên “Tiểu đoàn Phù Đổng”, khi ra trận mang theo cả ý chí, khát vọng, tinh thần quê hương Thánh Gióng “Vượt Trường Sơn, trèo đèo lội suối, đói khát, bom đạn, bệnh tật nhưng suốt chặng đường hành quân, những người con của quê hương núi Sóc tuyệt nhiên không có người nào thoái thác nhiệm vụ”.

Đọc đến đây, trong tôi chỉ còn niềm cảm phục và tự hào, những người lính năm ấy, họ thật mạnh mẽ, kiên cường và gan góc. Hình ảnh đoàn quân đi chiến trường miền Nam, đến nơi “mưa bom bão đạn” nhưng vẫn lạc quan yêu đời, bất chợt khiến tôi nhớ đến câu thơ: “Lớp cha trước lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành” của nhà thơ Tố Hữu.

Từng câu chuyện, dòng tâm thư, dù ngắn, hay dài nhưng tất cả khiến tôi hiểu hơn bao giờ hết về mảnh đất, con người Sóc Sơn mà bao năm qua mình đã gắn bó, lớn khôn. Tôi đã từng đọc những tác phẩm về đề tài chiến tranh như “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh..., đọc đi, đọc lại nhiều lần và mỗi lần đọc tôi không sao cầm nổi nước mắt, bởi “chiến tranh đâu phải trò đùa”, tàn khốc quá, đau thương quá nhưng hơn thế là niềm cảm phục về thế hệ trẻ Việt Nam thời chống xâm lược, hay chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Và hôm nay, khi đọc “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn”, của chính những người trong cuộc ngay trên quê hương mình, tôi càng yêu quê mình hơn.

Thật ấm lòng và tự hào biết bao khi trong những năm tháng chiến đấu oanh liệt đó, nhân dân Sóc Sơn luôn đoàn kết, đồng lòng, dốc sức để xây dựng một hậu phương vững chắc. Hình ảnh người dân hăng say lao động xây dựng sân bay quân sự Đa Phúc (nay là sân bay Quốc tê Nội Bài) như biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, luôn in đậm trong tâm trí tôi. Có lẽ nhờ những trang sách “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn” ấy mà tôi mới thấy được người dân quê mình sao anh hùng đến thế.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang bước đi trong công cuộc hội nhập. Những chiến sĩ năm xưa của quê hương Sóc Sơn - cha, anh ta đã hiến dâng cả tuổi xuân vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Thế hệ chúng tôi hôm nay, đang được sống trong thời bình, không biết đến giáo mác, súng đạn, đó là một điều may mắn. Nhưng trong mỗi người chúng tôi vẫn luôn có một phần trách nhiệm - Tôi, bạn và chúng ta hãy cùng nhau đóng góp sức trẻ để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước”./.

Hoa Thị Quỳnh Anh, Lớp: 12D, Trường THPT Đa Phúc