Quảng cáo #128

TP.HCM:

Triển vọng kinh tế khởi sắc trong giai đoạn phục hồi từ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện nay, TP.HCM đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trước mắt cũng như tiếp cận các chính sách mới về miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất; quyết liệt rà soát các dự án chậm triển khai. Đồng thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ nhanh chóng các lĩnh vực liên quan đến đấu thầu, xây dựng cơ bản,... giảm thiểu tác động tiêu cực cũng như cố gắng duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong gia đoạn này.
001-1730996039.png
Kinh tế TP.HCM mang nhiều triển vọng trong giai đoạn phục hồi tích cực trong năm 2024.

Sau 10 tháng, ngân sách thu lại tăng hơn 10%

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 10 tháng năm 2024, chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực về kinh tế, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng và phát triển.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng, so với cùng kỳ, ước tính IIP tháng 10/2024 tăng 8,9% và tính chung 10 tháng tăng 6,9%. Trong đó chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 4,7%.

Trong lĩnh vực ngân hàng, đến cuối tháng 10/2024 tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, ước đạt 3,84 triệu tỷ đồng, tăng 0,65% so với cuối tháng 9 và tăng 8,46% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm trước, tổng huy động vốn tăng 13,66%. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 90% tổng nguồn vốn huy động.

Mặt khác, hoạt động sản xuất cũng khá khả quan với diễn biến tích cực của kim ngạch xuất nhập khẩu. Ông Kiên cho biết: “Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2024 ước thực hiện được 408.468 tỷ đồng, đạt 84,6% dự toán và tăng 10%, trong đó thu từ các hoạt động kinh tế đều tăng khá, góp phần thu nội địa tăng 15,8% và thu từ xuất nhập khẩu tăng 1%. Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 60.799 tỷ đồng, đạt 40,5% dự toán và giảm 7,9%...”.

Cụ thể, xuất khẩu 10 tháng ước đạt 38,55 tỷ USD, tăng 10,5%; còn nhập khẩu ước đạt 49,56 tỷ USD, tăng 8,9%. Ngoài ra, về tiêu dùng, thành phố tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trên các kênh mua sắm, đồng thời triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa.

Theo thống kê, trong tháng 10/2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 109.467 tỷ đồng, tăng 9,3%. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 979.052 tỷ đồng, tăng 10,1%. Riêng về lĩnh vực du lịch, tổng doanh thu ước đạt 156.649 tỷ đồng, tăng 11,9%.

TP. HCM ưu tiên tập trung thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, từ kết quả giải vốn đầu tư công sau 10 tháng mới đạt 22,2% kế hoạch, TP.HCM sẽ cho rà soát, đánh giá rõ các chủ đầu tư, rõ nguyên nhân một số dự án giải ngân chưa đạt kế hoạch như cam kết; đồng thời thống kê các dự án đã được tháo gỡ khó khăn, giao thêm ngân sách để đẩy nhanh tiến độ.

002-1730996127.png
Thành phố sẽ tập trung xác định thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất.

Với báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, mặc dù kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, thị trường xuất khẩu trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn… đều là những yếu tố thách thức đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ mà thành phố được ưu tiên cao nhất trong giai đoạn này chính là tập trung xác định thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thủ trưởng các đơn vị cần quán triệt, nghiêm túc chấp hành thực hiện đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 từ ngày 15/10 đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 đến toàn bộ cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND các địa phương cần tập trung nhân sự để giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng,...

Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành, địa phương theo dõi, giải quyết các vướng mắc phát sinh được các chủ đầu tư kiến nghị và cập nhật trên hệ thống phần mềm quản lý theo dõi tiến độ giải quyết kiến nghị về đầu tư công do Sở Kế hoạch và Đầu tư vận hành theo nguyên tắc khi có phát sinh nội dung liên quan thuộc thẩm quyền, đơn vị phải hoàn thành giải quyết ngay trong ngày làm việc kế tiếp.

Nhìn chung, kết quả thực hiện giải ngân đầu tư công còn chậm so với kế hoạch, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký, thu hút đầu tư nước ngoài cũng giảm so với cùng kỳ… Đối diện với tình hình trên, các tháng còn lại của năm 2024 là cực kỳ quan trọng, nên cần cố gắng hết sức để hoàn thành tốt những mục tiêu cũng như giữ vững tiến độ tích cực trong giai đoạn đang phục hồi này./.

Quốc Cường - Võ Nga