
Trong những năm gần đây, loại hình lưu trú homestay đã trở thành một xu hướng mới trong ngành du lịch Việt Nam. Không chỉ là nơi để nghỉ ngơi, đây còn là mô hình giúp du khách được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, là cầu nối để giới thiệu văn hoá truyền thống đến với bạn bè quốc tế.
Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, hiện nay trên cả nước có hơn 40 nghìn cơ sở kinh doanh homestay, với hơn 500 nghìn phòng nghỉ. Với chi phí rẻ, đa dạng về hình thức cũng như địa điểm, dịch vụ, homestay đang được nhiều khách du lịch lựa chọn để lưu trú.

Không chỉ đơn thuần là lưu trú, du khách khi tới với bản Mạ thường lựa chọn homestay vì những dịch vụ tham quan, trải nghiệm văn hoá truyền thống gần gũi với cuộc sống của người dân.
Theo chia sẻ của một hộ kinh doanh homestay, mỗi tháng homestay sẽ đón hơn 200 du khách. Để thu hút du khách, các hộ kinh doanh chú trọng tổ chức những hoạt động văn hoá như nấu món ăn truyền thống của dân tộc Thái, đốt lửa trại giao lưu văn nghệ, hay trải nghiệm đạp xe trên những con đường làng để ngắm ruộng bậc thang.


Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, sự phát triển nhanh chóng của homestay cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề.
Chị Phùng Thị Thảo Nhung, nhà sáng lập trang E-dulich cho rằng, để bắt kịp với xu hướng hiện nay, nhiều homestay đang chạy theo mô hình hiện đại, làm mất đi bản chất của hình thức lưu trú này là trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

Tại khu vực phía Tây Bắc, các điểm du lịch nổi tiếng như Cát Cát (Lào Cai) hay Mộc Châu (Sơn La) ngày càng xuất hiện dày đặc những mô hình homestay theo phong cách hiện địa, thay dần những ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Những căn nhà gỗ giản dị đã bị thay thế thành những căn nhà kính, xa rời lối sống truyền thống.
Không chỉ thay đổi về kiến trúc, yếu tố văn hóa cũng bị “biến tướng” để phục vụ nhu cầu của du khách. Các lễ hội truyền thống bị dàn dựng theo kịch bản có sẵn, mất đi tính tự nhiên. Để phù hợp với khẩu vị của du khách, ẩm thực địa phương cũng bị thay đổi, khiến giá trị nguyên bản dần phai nhạt. Không chỉ vậy, các trang phục truyền thống của người dân địa phương cũng bị thay thế thành những bộ trang phục nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích từ du lịch cũng đang gây ra không ít vấn đề tại nhiều địa phương. Nổi tiếng là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm để “săn mây”, xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) có 44 cơ sở lưu trú, đáp ứng khoảng 800 lượt khách mỗi ngày. Thế nhưng, phần lợi từ kinh doanh dịch vụ không được chia sẻ đồng đều cho người dân địa phương.
Khi quyền lợi không được đảm bảo, cộng đồng địa phương dần mất đi động lực bảo tồn văn hóa, thay vào đó là chạy theo xu hướng thương mại hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, Tà Xùa đang đối mặt với tình trạng một bộ phận người trẻ dân tộc Mông lựa chọn mặc đồ hiện đại thay thế trang phục truyền thống, đồng thời lượng người theo học các nghề thủ công truyền thống (dệt vải, đúc khèn, rèn nông cụ) ngày càng ít đi.

Là một trong những thành phố du lịch được ưa thích tại khu vực phía Nam, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là một trong những địa phương có nhiều homestay hoạt động nhất.
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho thấy, hiện có khoảng hơn 2.500 cơ sở lưu trú, với hơn 33.000 phòng được cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 7 cơ sở homestay đạt chuẩn, còn lại dù gắn mác “homestay” nhưng chưa được cơ quan nhà nước thẩm định.


Để giải quyết tình trạng này, vào tháng 10/2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Mục tiêu của Đề án là biến du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam. Đồng thời, phải gắn phát triển du lịch với phát triển công nghiệp văn hoá, nhằm giữ gìn và phát huy các yếu tố bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống.
Không chỉ vậy, Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo phát triển du lịch đi kèm với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên môi trường, hướng tới ngành du lịch xanh và bền vững.

Đối với chính quyền, cần nhanh chóng triển khai các chính sách phù hợp phát huy được thế mạnh văn hoá của từng địa phương. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Đối với doanh nghiệp và người dân người dân kinh doanh du lịch nói chung và homestay nói riêng, cần chú trọng lan tỏa giá trị văn hóa truyền địa phương, cùng với việc bảo đảm an ninh môi trường, để hướng tới ngành du lịch giàu vẻ đẹp văn hoá và bền vững.