Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh trong tháng đầu năm

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 46,56 tỷ USD trong tháng 1/2023, giảm 17,3% so với tháng trước, kéo theo thu ngân sách Nhà nước giảm 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt 24.852 tỷ đồng, đạt 5,8% so với dự toán (dự toán 425.000 tỷ đồng), giảm 42,3% so với cùng kỳ năm 2022. Số thu ngân sách nhà nước tháng 1/2023 giảm sâu so với với cùng kỳ 2022 do có kỳ nghỉ tết Nguyên đán dài ngày (dịp nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 vào tháng 2/2022).

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết tháng 1/2023, tổng kim ngạch ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước (tương ứng giảm 9,77 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% (tương ứng giảm 3,95 tỷ USD) và nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% (tương ứng giảm 5,82 tỷ USD).

So với cùng kỳ năm 2022, trị giá xuất nhập khẩu của tháng 1/2023 giảm 25,01%, tương ứng giảm 15,53 tỷ USD. Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng đầu tiên của năm 2023 cả nước ước xuất siêu 3,6 tỷ USD.

Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước Quốc hội giao cho Tổng cục Hải quan là 425.000 tỷ đồng. Dự toán 2023 Quốc hội giao cho ngành Hải quan được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6-6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8-9%, kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7-8%. Dự toán 2023 Quốc hội giao cho ngành Hải quan được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6-6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8-9%, kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7-8%.

nganh-xuat-nhap-khau-la-gi-1675351722.jpg

Thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu giảm mạnh trong tháng đầu năm 2023. Ảnh minh họa.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Hải quan cho biết tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế; không để phát sinh nợ mới, không để nợ tại thời điểm 31/12/2023 cao hơn thời điểm 31/12/2022.

Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế, đảm bảo việc miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật.

Bên cạnh đó, sẽ tích cực triển khai đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền, chính sách thuế, quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 đảm bảo người nộp thuế có thể nộp tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh rà soát các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan...

Thi Nguyên (t/h)