Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, địa phương có 15 xã thuộc 5 huyện thụ hưởng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó giai đoạn từ 2021 đến 2025, tổng kinh phí thực hiện Chương trình tại Quảng Bình 1.757.518 triệu đồng.
Trên cơ sở tham mưu của các sở, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết, quyết định phân bổ nguồn kinh phí cho 10 dự án bảo đảm đúng tỷ lệ quy định. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân nguồn kinh phí này trong năm 2022 chỉ đạt 13,3% kế hoạch; trong quý I năm 2023 chỉ mới giải ngân đạt 5,3% kế hoạch.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 ở Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp, nguyên nhân là do việc ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa cụ thể. Việc phân bổ vốn nguồn ngân sách Trung ương còn có nội dung chưa phù hợp, một số nguồn đầu tư còn chồng chéo. Quá trình triển khai các dự án thuộc Chương trình vẫn còn khó khăn trong vấn đề cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào…
Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đề nghị các sở, ngành có những hướng dẫn cụ thể, làm rõ các vấn đề như định mức về đường giao thông, nhà ở, chuyển đổi quy hoạch, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; đầu tư công trình nước sạch, cơ sở hạ tầng và các chế độ, chính sách về y tế, giải quyết việc làm. Các sở ngành phải phối hợp với các địa phương bảo đảm triển khai Chương trình thuận lợi, đạt hiệu quả cao.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cần phải cần xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong đề nghị, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, các sở, ngành phải làm rõ, hướng dẫn cụ thể để cùng với các địa phương bảo đảm triển khai Chương trình thuận lợi, đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, các ngành, địa phương lưu ý, làm rõ một số vấn đề cụ thể như: định mức về đường giao thông, nhà ở, chuyển đổi quy hoạch, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; chú trọng đầu tư công trình nước sạch, cơ sở hạ tầng và các chế độ, chính sách về y tế, giải quyết việc làm cho đồng bào…
Cùng với việc tăng cường phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình lưu ý, các đơn vị, địa phương cần xây dựng các mô hình, điểm sáng trong phát triển sản xuất, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để nhân rộng và tạo sự lan tỏa. Trong thực hiện, cần quán triệt nguyên tắc cốt lõi là nâng cao nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng phải bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người, vùng đất.