Trên đây là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” diễn ra ngày 14/6 tại Hà Nội.
Báo chí cần tìm kiếm nguồn thu bền vững từ nội dung
Phát biểu tại Hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra bức tranh kinh tế báo chí truyền thông hiện nay trên thế giới.
Thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng doanh thu nhưng với báo chí thì lại giảm đi. Các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu. Tới đây, các cơ quan báo chí truyền thông cũng sẽ hướng tới tìm kiếm doanh thu từ độc giả như một "nguồn thu an toàn."
Ông Lê Quốc Minh cũng gợi mở một số xu hướng các cơ quan báo chí lớn trên thế giới thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: Quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu, xây dựng hệ thống bán lẻ...
Về việc làm truyền thông, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định đây là một trong những xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang làm. Bởi chính các nhà báo là người thành thạo nhất về kỹ năng kể chuyện, do vậy, việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu của mình.
Riêng vấn đề thu phí báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh cho hay đây là hướng đi của báo chí thế giới mặc dù nhiều tờ báo nổi tiếng đã thử nghiệm thu phí rồi lại dừng thu phí nhiều lần trước khi đạt được thành tựu như ngày nay.
Tiến sỹ Đỗ Anh Đức, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng báo chí thu phí là một hướng đi khả quan.
“Các cơ quan báo chí thành công trên thế giới đều hướng vào nội dung để phát triển và thu phí người dùng. Nói cách khác, muốn người dùng trả phí thì trước hết phải có nội dung chất lượng,” ông Đức nói. Theo ông Đức, nội dung có chất lượng không nhất thiết phải luôn luôn là nội dung chuyên sâu.
“Nhiều người cho rằng cần phải thêm ‘gia vị’ vào tin tức, phải biết cách ‘giật tít’, ‘câu view’ thì mới có nhiều người xem. Nhiều tờ báo cũng đang trả nhuận bút theo lượt xem, tương tác. Nhưng báo chí có thể phải trả giá đắt, nếu chạy theo lượt xem, phải hạ chuẩn giá trị nghề nghiệp và dần mất niềm tin, cũng như sự tôn trọng của độc giả,” ông Đức chia sẻ.
Vị chuyên gia này cho rằng điều cốt lõi về chiến lược nội dung không phải là chạy theo lượt xem, hoặc cố gắng sản xuất thật nhiều bài vở chuyên sâu - điều vượt quá khả năng của nhiều tòa soạn, cơ quan báo chí, và cũng không hẳn là “khẩu vị” hàng ngày của độc giả. Ngược lại, những nội dung độc đáo, giá trị, có tính đặc thù của cơ quan báo chí mới là quan trọng.
Vấn đề kinh tế báo chí đang nóng bỏng, phức tạp và nan giải
Ông Đức đưa ra hai cách triển khai là thu phí toàn bộ và thu phí một phần, tức là đặt tường phí (paywall).
“Ở cách làm thứ nhất, các tờ báo chắc chắn phải có năng lực sản xuất nội dung phong phú và chất lượng số một. Họ đã thoát ly khỏi vai trò những tờ báo tin tức. Với khoảng 10 triệu thuê bao và đủ mang lại giá trị kinh tế cho cả tờ báo, New York Times dành cho độc giả đọc sâu, đọc rộng, kể cả những tin tức thời sự cũng được sản xuất như những bài có tính phân tích, bình luận,” ông Đức lấy ví dụ.
Cách làm này không phải báo nào cũng theo được và cũng không phải độc giả nào cũng có thể đủ trình độ để đọc sâu. Do đó, các cơ quan báo chí Việt Nam có thể thử nghiệm thu phí một phần, tức là tiến hành thu phí sau khi cho phép người đọc truy cập một số bài miễn phí.
Về chủ đề kinh tế báo chí, các chuyên gia truyền thông - báo chí cùng nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để tăng nguồn thu song, họ đều gặp nhau ở một “điểm khó” là cơ chế chính sách.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Chí Trung, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cho rằng vấn đề kinh tế báo chí Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận về nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ. Tuy nhiên, bài toán khó dường như vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng.
“Những kết quả đạt được mới chỉ tiến đến một vài khía cạnh của cơ chế chính sách, những ý kiến đề xuất dường như mới tóm lược một số mô hình tham khảo bên ngoài. Chúng ta vẫn chưa thực sự thẳng thắn đề cập đến bản chất, thậm chí còn đang né tránh những nút thắt cơ bản kìm hãm sự phát triển kinh tế báo chí-truyền thông. Nút thắt đó mang tính nguyên lý, như một ‘vòng kim cô’ cần được ‘niệm chú’ nới bỏ,” ông Trung nói.
Ông Bùi Chí Trung cho rằng việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay, từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn.
Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus kiến nghị rằng báo chí cần có cơ chế chính sách đặt hàng của cơ quan Nhà nước, đặc biệt là là các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị cần phải có ngân sách nhất định. Nhà nước cũng cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế cho cơ quan báo chí đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn như hiện nay.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn cũng đề cập đến cơ sở pháp lý để bảo vệ bản quyền nội dung cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh các trang thông tin điện tử, các nền tảng xuyên biên giới đang khai thác tin tức báo chí mà không trả phí bản quyền, thậm chí không dẫn nguồn. Ông Duẩn nhấn mạnh cần phải có quy định rất cụ thể đối với các nền tảng số khai thác nội dung báo chí và cơ quan chức năng cần quyết liệt bảo vệ lợi ích báo chí./.
Bình Châu
Link nội dung: https://www.doanhnghiepkinhtexanh.vn/giai-phap-tim-kiem-doanh-thu-tu-doc-gia-de-bao-chi-tao-nguon-thu-an-toan-a24289.html