Lào Cai : Trồng Sen - hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Luôn nung nấu trong mình khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, bằng ý chí, nghị lực và tinh thần dám nghĩ, dám làm, không ngại đổi mới, chị Nguyễn Thị Liên, chi hội trưởng phụ nữ thôn An Quang, xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) đã có những thành công bước đầu từ mô hình trồng sen, phát triển kinh tế gia đình và có đóng góp quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Trước nhịp sống hiện đại và sự tác động mạnh mẽ của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chị Nguyễn Thị Liên, thôn An Quang, xã Quang Kim (Bát Xát) dần đúc rút ra được chân lý: Muốn thoát nghèo không có cách nào khác là phải đổi mới, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vậy là trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình, cuối năm 2021, chị Liên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sen. Lúc mới làm không có vốn để đầu tư, nên chị vay anh em gia đình 20 triệu đồng để tôn tạo ruộng và mua giống sen về trồng thí điểm trên 400m2 diện tích đất ruộng của gia đình.

l-1680071783.jpg
Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen

Mới trồng, do thiếu kinh nghiệm, không biết cách chăm sóc nên hiệu quả mang lại không cao. Không nản lòng trước khó khăn, chị Liên quyết tâm đi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng từ những người đã trồng sen thành công ở địa phương khác và tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt do các ngành chức năng tại địa phương tổ chức. Từ đó, chị đã rút kinh nghiệm trong quá trình trồng và biết được những giống sen cho năng suất cao rồi áp dụng vào thực tiễn.

Nhận thấy cây sen phù hợp với khu ruộng trũng, chị Liên mạnh dạn thuê thêm 2.100 m2 đất ruộng trũng của những hộ xung quanh để mở rộng quy mô. Vợ chồng chị không quản ngày đêm đắp bờ giữ nước, san đất cho phẳng, đồng thời đề xuất với hội phụ nữ xã trợ giúp vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Bát Xát để tiếp tục mua giống, mở rộng mô hình trồng sen. Hiện nay, gia đình chị đang trồng các loại như: Sen nghìn cánh và Sen quan âm, Sen bách diệp hồng, Sen Juwaba… hoa có thể chơi lâu hơn sen thường và mùi thơm của các giống sen này cũng đậm hơn một chút so với sen ta.

Đất không phụ lòng người, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên ruộng sen của gia đình chị nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cao với giá bán giao động từ 5-7 nghìn đồng/ bông, thời gian thu hoạch sen kéo dài 7 tháng, không chỉ bán hoa mà chị còn bán lá, lấy ngó, bán ra thị trường. Với diện tích này, vụ sen năm 2022 gia đình chị thu về trên 130 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao hơn gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Mô hình trồng sen không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình chị Liên mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ ở địa phương. 

Không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, trên cương vị chi hội trưởng phụ nữ thôn An Quang, chị Liên đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em; tuyên truyền phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; động viên hội viên tích cực hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tích cực đảm nhận phần việc vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, các kiến thức liên quan đến xây dựng gia đình hạnh phúc và chăm sóc con cái, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, kiến thức về phát triển kinh tế gia đình v.v...Nhờ vậy, các phong trào, hoạt động hội tại Chi hội phụ nữ thôn An Quang ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.

Với tính cần cù, sự nhanh nhạy trong công việc và ý chí vượt khó để vươn lên, tìm tòi những phương thức sản xuất thích hợp, chị Liên đã thành công với mô hình trồng sen. Mô hình này được đánh giá là khá mới mẻ và áp dụng đầu tiên tại địa phương, đang góp phần tạo ra hướng đi mới, làm thay đổi tư duy nhận thức của hội viên phụ nữ xã Quang Kim (Bát Xát) trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương./.

Lưu Liên

Link nội dung: https://www.doanhnghiepkinhtexanh.vn/lao-cai-trong-sen-huong-di-moi-trong-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-a14748.html