Tập trung sản xuất, quản lý mã vùng trồng vải thiều

Để đảm bảo có đủ sản lượng vải thiều đáp ứng các yêu cầu điều kiện về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND các huyện sản xuất vải thiều trọng điểm, các đơn vị thuộc Sở tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, niên vụ vải 2022 - 2023, từ đầu vụ đến nay cơ bản diễn ra thuận lợi, điều kiện thời tiết nhiệt độ, ẩm độ thấp rất phù hợp với thời kỳ phân hoá mầm hoa. Hiện nay, vải thiều sớm tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%; vải thiều chính vụ dự báo tỷ lệ ra hoa sẽ đạt trên 80%.

Để chuẩn bị cho công tác chỉ đạo sản xuất vải thiều phục vụ xuất khẩu đạt kết quả cao nhất, Sở NN&PTNT tỉnh đã ban hành Kế hoạch về cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu năm 2023. Tuy nhiên, đến nay công tác triển khai chỉ đạo ở các địa phương còn chậm, chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Trong thời gian tới, nếu không tập trung chỉ đạo kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất vải thiều xuất khẩu. Để đảm bảo có đủ sản lượng vải thiều đáp ứng các yêu cầu điều kiện về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện sản xuất vải thiều trọng điểm, các đơn vị thuộc Sở tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp.

Theo đó, UBND các huyện sản xuất vải thiều trọng điểm chỉ đạo Cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát, thiết lập hồ sơ cấp bổ sung mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đảm bảo đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đề nghị thu hồi hoặc huỷ bỏ đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo đúng quy định; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo các yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU...; bố trí kinh phí hỗ trợ vật tư phục vụ sản xuất cho nông dân (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón); nơi cất giữ, nơi chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; phân tích mẫu quả vải về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch; chứng nhận vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

sv-vai-1675503206.jpg
Để đảm bảo có đủ sản lượng vải thiều đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, Sở NN&PTNT tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. (Ảnh minh họa: T.Anh)

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xúc tiến thương mại, mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều xuất khẩu; hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc nông dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, đảm bảo toàn bộ sản lượng vải thiều vùng xuất khẩu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh vải thiều trên địa bàn.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra, thẩm định kết quả rà soát các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của các huyện đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp bổ sung mã số vùng trồng đảm bảo diện tích sản xuất phục vụ xuất khẩu; phối hợp với cơ quan chuyên môn của các huyện theo dõi, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn, giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất vải thiều, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Asean...; tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu; hỗ trợ công tác phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng trồng vải trước khi xuất khẩu.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thuỷ sản thực hiện tốt công tác phối hợp chỉ đạo sản xuất đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt quan tâm đến vùng sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...; tổ chức kiểm tra thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng; các yêu cầu, tiêu chuẩn quy định về tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU...

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng diện tích trồng vải an toàn năm 2022 của tỉnh khoảng 28.300 ha, với tổng sản lượng tiêu thụ đạt gần 200 nghìn tấn. Trong đó có 18 mã số vùng trồng với diện tích 218 ha, sản lượng 1.600 tấn phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Các sản phẩm vải thiều được tiêu thụ chủ yếu là vải tươi, vải sấy khô, vải đóng hộp, vải cấp đông nguyên quả và long vải cấp đông.

Năm 2023, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì diện tích trồng vải khoảng 28.000 ha với sản lượng dự kiến khoảng 200 nghìn tấn, tương đương năm 2022. Trong đó, có 19 mã số vùng trồng (tăng 01 mã so với năm 2022)  phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, với diện tích 230 ha, sản lượng khoảng từ 1.800 - 2.000 tấn. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm thúc đẩy mở rộng tiêu thụ, xuất khẩu các nông sản khác như các sản phẩm chế biến từ gạo, trái bưởi, mật ong…

Theo Thu Trà/Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường

Link nội dung: https://www.doanhnghiepkinhtexanh.vn/tap-trung-san-xuat-quan-ly-ma-vung-trong-vai-thieu-a13155.html