Hà Tĩnh: Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, hướng tới kỷ niệm 232 năm ngày mất Đại danh y Lê Hữu Trác

Trong khuôn khổ lễ hội Hải Thượng Lãn Ông diễn ra từ ngày 1/2 đến 3/2, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cùng con cháu dòng tộc họ Lê và bà con nhân dân đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hướng tới kỷ niệm 232 năm ngày mất và long trọng tổ chức lễ dâng hương tại khu mộ và lễ rước, cúng tế tại Nhà thờ Lê Hữu Trác tại thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức vào dịp đầu năm cùng với dịp tưởng niệm 232 năm ngày mất Đại danh y Lê Hữu Trác. 

le-huu-trac-1675436957.jpg
Chính quyền địa phương và người dân tưởng nhớ 232 năm ngày mất Đại danh y Lê Hữu Trác.

Người dân địa phương và du khách cùng tham gia lễ rước bài vị, vật phẩm từ khu mộ ở xã Sơn Trung về Nhà thờ họ Lê tại thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm.

Tham gia lễ rước có hàng trăm người dân địa phương và du khách gần xa.

Sau lễ rước, huyện Hương Sơn đã tổ chức dâng lễ tế Hải Thượng Lãn Ông nhân kỷ niệm 232 năm ngày mất Đại danh y Lê Hữu Trác. Trong bài tế Đại danh y, các thế hệ con cháu một lần nữa tôn vinh những đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông đối với nền y học, văn học nước nhà, đặc biệt là tấm lòng của cụ dành cho Nhân dân nói chung và người dân huyện Hương Sơn nói riêng.

le-huu-trac-1-1675436986.jpg
Lãnh đạo huyện, con cháu dòng tộc họ Lê Hữu cùng bà con nhân dân dâng hương bày tỏ tấm lòng tri ân, ngưỡng mộ Đại danh y.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông bắt nguồn từ tín ngưỡng của người dân Hương Sơn trong việc tri ân Đại danh y Lê Hữu Trác (thế kỷ XVIII), người có công lao to lớn trong việc dùng y thuật của mình để chữa bệnh cứu người.

Đại danh y Lê Hữu Trác (1724 - 1791) sinh ra tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình có truyền thống khoa cử. Cha ông là Lê Hữu Mưu đỗ Đệ tam giáp Tiến sỹ làm Thị lang Bộ Công và triều Lê Dụ Tông; mẹ là bà Bùi Thị Thưởng, một phụ nữ thông minh, hiền lành quê ở Bàu Thượng, Tĩnh Diệm, Hương Sơn (nay là xã Quang Diệm, Hương Sơn).

Lê Hữu Trác từng thi đậu tam trường, sau khi cha mất, ông từ bỏ con đường khoa cử chuyển sang học võ, nghiên cứu binh thư và tham gia trận mạc. Sau mấy năm chinh chiến, ông lấy cớ xin về chăm sóc mẹ già ở Hương Sơn và không màng đến danh lợi mà chuyên tâm nghiên cứu về nghề thuốc, chữa bệnh cứu người, tự đặt cho mình biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Về sau, ông trở thành vị Đại danh y nổi tiếng, được xem là ông tổ của ngành đông y Việt Nam, là người đặt nền móng cho ngành y học nước nhà.

lht-6-1675437082.jpg
Người dân xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn gói bánh chưng để dâng lên Đại danh y.

Trong sự nghiệp của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã sưu tầm và phát hiện trên 300 vị thuốc nam, tổng hợp 2.854 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho Nhân dân. Riêng cuốn "Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập và 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc, được xem là báu vật của nền y học Việt Nam. Đặc biệt, với 9 bài học về y đức dành cho người thầy thuốc chữa bệnh cứu người trong Y huấn cách ngôn mà ông để lại mãi là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho thế hệ sau tiếp nối.

lht-4-1675437262.jpg
Thi đẩy gậy trong tuần lễ Hải Thượng Lãn Ông.

Với những đóng góp to lớn cho dân tộc, sau khi Lê Hữu Trác mất, hằng năm, vào dịp ngày giỗ của ông, người dân Hương Sơn tề tựu dâng hương, hoa làm lễ tế để bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức của vị danh y. Về sau, người dân cũng tổ chức nhiều hoạt động hội với các trò chơi dân gian nhằm tạo không khí sôi nổi, vui chơi trong dịp đầu xuân.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng từ đó mà hình thành, phát triển, trở thành nét văn hóa trong mỗi dịp xuân về của người dân vùng lân cận nói riêng và Hương Sơn nói chung.

z4082257084224-52a37040890cd209f1ab45702518ba23-1675437219.jpgTrình diễn diều sáo.

Năm 2015, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông gắn với quần thể khu di tích về Đại danh y Lê Hữu Trác trải dài trong không gian 8 km, trên địa bàn 3 xã Sơn Trung (khu mộ và tượng đài), Quang Diệm (nhà thờ) và Sơn Giang (chùa Tượng Sơn) đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990.

Như nhiều lễ hội khác, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra vào ngày 13 và 14 tháng Giêng hằng năm với lễ dâng hương tại khu mộ, nhà thờ; lễ rước từ khu mộ về nhà thờ; lễ cầu an, cầu sức khỏe tại chùa Tượng Sơn. Bên cạnh phần lễ là phần hội, gồm nhiều trò chơi dân gian, hội thi như: đua thuyền trên sông Ngàn Phố, thi trưng bày diều, nấu bánh chưng, trò chơi đẩy gậy, vật tay…

Nguyễn Duyên

Link nội dung: https://www.doanhnghiepkinhtexanh.vn/ha-tinh-nhieu-hoat-dong-trong-le-hoi-hai-thuong-lan-ong-huong-toi-ngay-gio-dai-danh-y-le-huu-trac-a13143.html