Những cái Tết không thể nào quên của Thợ mỏ

Tết năm nay tôi về Cẩm Phả ăn Tết với những người thợ mỏ. 20 năm rồi kể từ ngày nghỉ hưu, hôm nay mới được trở về đây, như về với chính ngôi nhà của mình. Ai cũng vui, ai cũng niềm nở bắt tay và ôm chặt lấy nhau. Những giọt nước mắt chảy vào trong làm cay cay sống mũi. Nghẹn ngào thân tình nói với nhau bằng những đôi mắt đỏ hoe. Tất cả đã bước sang tuổi tám, chín mươi cả rồi, không nói với nhau bằng ông, bằng cụ mà gọi nhau bằng tao, bằng mày như cái thời cuốc than trong lò chợ, thi thoảng lại hét toáng lên “tránh ra tao lao thìu xuống đấy”. “Đ... mẹ chạy nhanh lên, bục nước, bục nước”... rồi tràng giang đại hải ngôn ngữ riêng của thợ lò cứ tuôn ra tuồn tuột.

Bữa cơm tất niên hôm ấy, ông Nguyễn Xuân Quang bảo: “Không phải mời, chỉ cần nghe thấy tiếng mày về là nó kéo đến đông bây giờ đấy, cứ ngồi xuống mâm đi”. Giữa Thành phố Cẩm Phả hiện đại ngày nay, mà tôi thấy cứ như nhà quê. Một người đi đâu xa về là cả dân làng kéo đến. Không cần phải quà cáp, chỉ nhìn thấy mặt, thấy vóc người là mừng rồi.

Ông Quang lại tự hào khoe rằng: “Rõ ràng nhà có phố có ngách, thế mà chả ai gọi, người ta cứ lán Độc Lập, lán Hòa Bình, lán Bè, lán Mông Giăng, dốc Ông Đại... những cái tên cũ rích từ thời phu mỏ năm 36 như lán Nghệ (Nghệ An), lán Thanh (Thanh Hóa)... vẫn cứ còn trong tiềm thức của người Cẩm Phả. Ngay cả những trụ sở từ Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản ở Hà Nội đến các mỏ (nay là công ty), ở đâu đâu cũng thấy bốn chữ “Kỷ luật - Đồng tâm”. Báo chí khắp nơi cũng chạy tít đậm “Kỷ luật - Đồng tâm” đó là khẩu hiệu của cuộc Tổng đình công năm 1936 vẫn còn giá trị đến bây giờ. Không cần phải nói nhiều, chỉ cần bốn chữ này là thấy được truyền thống kiên cường bất khuất của đội ngũ thợ mỏ. Tài thật, cái ông nào nghĩ ra câu này đáng được phong là Người thợ mỏ số một...”. Đúng thế, tôi đi khắp nơi chả thấy ở đâu người ta có câu này. Chỉ thấy khẩu hiệu “Quyết tâm” “Phấn đấu”, rồi “Vươn lên”... vậy thôi.

Một lúc sau cánh thợ lò, thợ máy xúc, máy bơm, quạt gió... kéo đến đông đủ. Chất thợ mỏ có từ cái bắt tay, ánh mắt, nụ cười và uống rượu. Tất cả chúng tôi quây quần bên mâm cơm. Ông Quang giơ chai rượu cuốc lủi và rót ra bát cho từng người: “Nào uống, thợ mỏ là phải uống rượu bằng bát có nhớ không? Nhà cốc pha lê to nhỏ đầy, mặc cho bọn trẻ uống vang, lucky gì đó kệ chúng nó, còn ta cứ một hơi một bát mới sướng”.

tho-mo-1674781541.jpg
Thợ mỏ chúc Tết nhau trong hầm than. (Ảnh minh họa)

Tôi nhớ lại những thập niên 70, 80 ở thế kỷ trước, cả đất nước gặp khó khăn, gạo bán theo sổ cũng không đủ ăn, thế mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định phải cung cấp cho Vùng mỏ ba nghìn lít bia, rượu. Xe bia hơi thường xuyên chở từ Hà Nội xuống tận cửa lò, lên tầng cho công nhân mỏ, không cần phải xếp hàng kéo cái sèng đi theo. Không cần bàn ghế, đồ nhắm, ai cũng đứng, ừng ực làm cho ba vại.

Các ông nhớ lắm, ai cũng vanh vách kể lại những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Ông Nguyễn Xuân Quang sinh năm 1933, Tết năm 1936 mới ba tuổi chưa biết gì, nhưng mẹ ông đã kể lại, đến bây giờ hơn 80 năm rồi vẫn còn nhớ. Những ngày ấy phu mỏ chuẩn bị về quê ăn Tết vui lắm. Sau cuộc Tổng bãi công, Chủ mỏ phải thi hành các yêu sách, tăng lương, giảm giờ làm và cung cấp đầy đủ cuốc xẻng dụng cụ lao động. Đặc biệt, Tết ấy mỗi người được thêm mười cân gạo, được nghỉ một tháng, ngày 20 tháng Chạp đã rục rịch kéo nhau ra tầu thủy xuôi về Hải Phòng. Ngày 15 cúng tất niên tất cả lều trại, nón, áo, thúng mủng có gì mang đốt hết. Đầu tầng bãi thải cháy ngùn ngụt. Ai cũng muốn tất cả đau thương, khổ ải của năm cũ tiêu tan ra mây khói để năm mới có nhiều may mắn.

Ngậm ngùi giây lát ông Quang kể tiếp: “Cái Tết ấy riêng nhà tao là buồn nhất. Sau cuộc Tổng đình công ngày 12 tháng 11 thì Bố bị bắt, nó tống giam vào Hỏa Lò. Mẹ khóc sướt mướt, hai anh em được mọi người ở lán sàng (nhà sàng Cửa Ông) cho hai cái bánh chưng...”. Cuộc tìm kiếm sự thật của gia đình ông Quang là một hành trình gian nan vất vả. Năm 1926 cụ thân sinh ra ông Quang là một trong bẩy Đảng viên đầu tiên của Vùng Cẩm Phả, Cửa Ông do cụ Đặng Châu Tuệ làm Bí thư Chi bộ. Ngày 01/5/1930 cụ cùng với cụ Ngô Huy Tăng kéo lá cờ Búa liềm lên đỉnh Cầu trục số 1 ở Bến cảng Cửa Ông. Cụ Ngô Huy Tăng đã anh dũng hy sinh.

Năm 1935, phong trào Mặt trận Bình dân dấy lên đấu tranh đòi thả tù chính trị. Cụ thân sinh ra ông Quang đã được thả, trở lại vùng mỏ, bắt được liên lạc với tổ chức, cụ là nòng cốt trong cuộc Tổng đình công ngày 12/11/1936. Chỉ sau ít ngày mật thám đã bắt cụ và đưa đi đâu không biết nữa. Từ đó, suốt hơn 50 năm gia đình và ông Quang sống trong đau buồn và thiệt thòi đủ thứ. Mãi đến cuối thập niên tám mươi, ông đi tìm khắp nơi từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, cuối cùng gặp được cụ Đặng Châu Tuệ nhận ra con trai người đồng chí của mình và xác nhận những thành tích hoạt động và sự hy sinh dũng cảm của người thợ mỏ kiên cường. Mọi chế độ cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa đã được truy tặng. Ông cũng làm đơn đề nghị UBND Thành phố Cẩm Phả đặt tên một đường phố cho cụ mà vẫn chưa được.

Hiện nay, ông Nguyễn Xuân Quang được bầu vào Ban liên lạc “Những người tham gia kháng chiến chống Pháp của Thành phố Cẩm Phả”. Ông Quang chầm chậm nói tiếp: “Mọi việc sáng tỏ thì đã ở tuổi bẩy mươi rồi. Hôm 12/11 vừa qua được xem bộ phim “Vùng mỏ con người và lịch sử” gặp lại cụ Đặng Châu Tuệ trên màn hình, cảm động quá không kìm được nước mắt, thấy cụ là thấy được bóng dáng của bố mình...”. Nói rồi ông ôm chặt lấy tôi và đấm liên hồi vào lưng: “Mày... mày viết cái phim ấy được, được... lắm. Những người thợ mỏ đã nuôi dạy mày gần 40 năm, xứng đáng đồng tiền bát gạo”. Tất cả lại cụng bát và uống đến bát thứ mấy rồi mà vẫn chưa hết chuyện.

Các câu chuyện của chúng tôi laị nối tiếp. Tết năm 1936 vui là đã dành được thắng lợi trong cuộc Tổng đình công đấu tranh với chủ Mỏ. Còn Tết năm 1955 sang năm 1956 là vô cùng sung sướng. Thợ mỏ đã thoát được ách nô lệ kìm kẹp sau bẩy mươi năm, chín tháng, mười hai ngày dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Hai tiếng phu mỏ bắt đầu thuộc về dĩ vãng, một từ xưng hô mới Công nhân mỏ.

Ngày 30/3/1959, Bác Hồ về nói chuyện trên tầng 10 công trường Đèo Nai, Bác bảo công nhân phải làm chủ hầm mỏ. Đúng là một cuộc đổi đời, cái Tết đầu tiên ấy, khắp mọi nơi trên tầng, trên đường phố, nhà nào cũng treo đèn kết hoa, treo cờ Tổ quốc. Tục đốt quần áo, lều trại trên tầng không còn nữa, thay vào đó là những bánh pháo dài hàng mét nổ liên tục từ giao thừa đến sáng ngày mồng một. Sân vận động chăng đèn rực rỡ. Nam nữ thanh niên đổ ra vui đùa, người người nắm tay nhau nhẩy sạp, nhẩy múa, vừa nhẩy vừa hát sòn sòn, sòn đố son... những bài ca hát mừng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang mãi. Nhà Câu lạc bộ Đèo Nai vốn là nhà nhẩy đầm của các quan Tây, chủ nhất, chủ nhì và cai ký, giám thị người Việt có máu mặt mới được lui tới. Những ngày đại lễ như Noen, Giáng sinh, Tết tây hay đón các quan chức ở trên về mới mở cửa. Lính đồn, mật thám vây lượn chung quanh, không ai dám bén mảng. Đêm giao thừa năm nay và các ngày Tết mở toang cửa, Thị Đoàn Thanh niên Cẩm Phả tổ chức nhẩy van, nhạc phát ra từ cái máy hát quay đĩa bằng kim, xè xè, cục cục. Người đông nghịt, ai cũng bá vai nhau nhẩy, chân giẫm cả lên nhau, lăn ra cười rồi lại tiếp tục cho đến sáng. Không vui sao được, không cười sao được, đã bao năm cúi đầu làm nô lệ, bây giờ đã đổi đời, phải ngửng cao đầu mà sống, mà làm thật nhiều than để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau những ngày Tết là những chiến dịch thi đua ra quân đầu xuân. Mỏ Đèo Nai mở chiến dịch sản xuất than Điện Biên Phủ, phá đồi Him Lam. Mỏ Cọc sáu phất cao ngọn cờ năng xuất cao. Nhiều chiến thi đua chạy 70 cây số ngày (có nghĩa là vừa xúc than, vừa đẩy xe goòng từ gương tầng ra máng, các chuyến cộng lại là 70 cây số). Vùng mỏ hân hoan hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965). Tết năm ấy tin truyền, Bác Hồ về ăn Tết với công nhân mỏ. Cả đêm giao thừa Hòn Gai và Cẩm Phả không ngủ, ba giờ sáng đã ra xe để về Hòn Gai. Tất cả chỉ biết rằng, đi dự lễ Mừng công hoàn thành kế hoạch năm năm lần thứ nhất.

Sáu giờ sáng ngày mồng Một Tết, Đài truyền thanh phát ra từ cái loa kim treo tường, Bác Hồ về ăn Tết với công nhân mỏ, thế là một số người không kịp đi xe từ sớm, vội vã chạy bộ hơn 30 cây số về Hòn Gai để được nhìn thấy Bác. Sân trường cấp ba Hòn Gai hôm ấy đông kín người, từ trên lễ đài Bác dơ tay vẫy chào. Bác khen ngợi vùng Than đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Chăm lo tốt đời sống công nhân, nhà ăn Than Trụ mỏ Đèo Nai là điển hình nhà ăn 5 tốt. Bác phê phán cán bộ còn quan liêu, phải đi sâu đi sát tham gia lao động, đẩy mạnh công tác quản lý xí nghiệp để tạo ra nhiều năng suất cao hơn nữa. Nhân dịp này, Bác tặng cho công nhân mỏ lá cờ thi đua luân lưu. Hàng năm, đơn vị nào xuất sắc thì được thêu tên vào. Bắt đầu từ sang năm, cứ vào dịp Tết, Bác tặng cho đơn vị xuất sắc một lẵng hoa tươi. Cả rừng người vỗ tay reo mừng, hứa quyết tâm thực hiện lời Bác dạy cùng nhau thi đua để được ghi tên vào cờ thưởng luân lưu.

Bây giờ đi đến Phòng truyền thống của công ty nào, mỏ nào thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, chúng ta đều thấy có một lẵng hoa của Bác Hồ hay Bác Tôn đặt trang trọng trong tủ kính. Nhưng mấy ai biết về sự tích của nó? Có được vinh dự này là cả một chặng đường vất vả. Một tháng trước Tết cánh thi đua chạy đôn chạy đáo để nắm tình hình các đơn vị, bình chọn xem đơn vị nào xuất sắc, rồi làm báo cáo trình Bộ, trình Văn phòng Chủ tịch nước. Ngày 30 Tết, phóng viên báo chí và cán bộ thi đua túc trực ở Văn phòng Chủ tịch để nhận lẵng hoa. Sau đó cấp tốc phi về Hòn Gai hoặc Cẩm Phả. Cái thời ấy phải đi mất 8 đến 10 tiếng đồng hồ vì phải qua 5 con phà, chưa kể phải tránh bom đạn máy bay Mỹ. Có lần 10 giờ đêm 30 Tết mới về đến nhà. Lẵng hoa được trân trọng đặt giữa Hội trường. Sáng mồng 1 Tết cán bộ, công nhân tập trung làm lễ chào cờ, đón nhận lẵng hoa tươi của Bác Hồ. Một bánh pháo dài hàng mét nổ vang trời. Mọi người hân hoan vui mừng đón một năm mới nhiều thắng lợi.

tho-2-1674781651.jpg
Đời thợ mở cực nhọc, nguy hiểm dưới hầm sâu. (Ảnh minh họa)

Những năm ấy ngày Tết thì vui nhưng ăn thì kém. Đất nước chiến tranh liên miên. Tất cả đổ ra chiến trường đánh Mỹ. Hậu phương miền Bắc sống trong chế độ bao cấp, mọi thứ đều tem phiếu. Chuyện này là rân ran nhất, chúng tôi thi nhau kể. Chuyện có thật mà cứ như tiếu lâm. Tôi còn nhớ một chuyện, lần ấy về quê nghỉ phép, mẹ cho 5 cân gạo nếp, 2 cân đỗ xanh mang ra để Tết gói bánh chưng. Khi tầu thủy cập bến Vũng Đục, qua cổng soát vé bị một người mặc đồng phục tịch thu và nói rằng “Đây là hàng cấm” thế là mất toi chả biết kêu ai. Cái Tết ấy cả nhà có hai vợ chồng và một đứa con đành phải mang tem phiếu đi xếp hàng mua được 1,5 cân gạo nếp (riêng thợ lò vất vả được cao hơn), 0,75 kg đường, 1,5 cân thịt, 1 hộp mứt, 1 gói chè Hồng Đào, 1 bao thuốc lá Trường Sơn. Thế là oai lắm rồi, ai cũng tung tăng ngêu ngao hát “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”.

Cảnh tượng ấy kéo dài đến thập kỷ 80. Không biết do đâu, ai đề xuất, cảnh ngăn sông cấm chợ giảm đi. Các mỏ được phép tự lo Tết cho công nhân. Hai ba tháng trước Tết từng đoàn xe ở Cẩm Phả, Hòn Gai kéo về các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình... mua su hào, bắp cải, bí ngô... rồi gạo nếp, bò, lợn về chốt lại. Bắt đầu từ 25 Tết phân phối cho công nhân. Mổ lợn suốt ngày đêm 29 đến 30. Ngày ăn Tết của mỏ thành như ngày hội, bò kêu, lợn kêu, người người mặt mày tươi rói, tay xách, nách mang. Món gì cũng nhiều gấp mấy lần tem phiếu. Bấy giờ mới biết đến miếng giò, thịt đông, kho tàu... bánh chưng thì khỏi nói có nhà gói đến hai mươi cặp, phải cho vào thùng phi hai trăm lít luộc xình xịch suốt đêm. Công nhân không có gia đình, ở tập đoàn cũng được phân một cặp, đã thế 29 Tết lại có xe của mỏ đưa về tận làng, dù ở tận Thanh Hóa, Nghệ An. Sáng ngày mồng 3 Tết lại có xe về đón ra mỏ để mồng 4 phát động chiến dịch thi đua “Mừng Đảng, mừng Xuân”.

Đã qua ba mươi năm rồi, những người cùng cảnh ngồi kể lại với nhau mới thấy thú vị. Càng kể càng thấy hay và không có hồi kết. Mọi vui buồn ngày ấy đã thấm sâu vào trái tim mỗi người. Bây giờ con cháu sang thế hệ thứ hai, thứ ba rồi. Cuộc sống sung túc hơn, đầy đủ hơn, không biết uống rượu bằng bát, không biết xếp hàng mua gạo. Đã bước sang cuộc cách mạng 4.0, cái gì cũng mua qua mạng, có người mang đến tận nhà. Con cháu chúng nó bây giờ còn kéo nhau đi du lịch Thái Lan, Singapore ăn Tết ở nước ngoài. Ông Quang lắc đầu than vãn: “Mỗi khi mình kể lại, chúng nó kêu lên: “Lại chuyện ngày xưa”. Sướng đấy nhưng chưa biết cội nguồn của đau khổ”.

Ngày xưa là một câu chuyện, là cái tem cái phiếu, là quyển nhật ký, là một hiện vật nhỏ... đến bây giờ nó là dấu ấn của lịch sử, là bản hùng ca của thợ mỏ.

Nhà văn Đặng Huỳnh Thái

Link nội dung: https://www.doanhnghiepkinhtexanh.vn/nhung-cai-tet-khong-the-nao-quen-cua-tho-mo-a12922.html