Hà Nội: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp, cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; chủ trương, nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số nội dung quan trọng khác.

hn-1669003015.jpg
 

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND Thành phố và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khoảng 8,8%

 Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe đại diện Ban Cán sự đảng UBND Thành phố trình bày dự thảo các báo cáo, kế hoạch, tờ trình, đề án. Cụ thể là: Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm, giai đoạn 2023-2025; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2023; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Thành phố; Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội. Ban Thường vụ Thành ủy cũng nghe báo cáo Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố giai đoạn 2023-2025; Đề án quản lý, sử dụng tài sản công thành phố Hà Nội.

 Đây là các nội dung sẽ được trình xin ý kiến tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố dự kiến diễn ra trong tuần tới; là căn cứ quan trọng để HĐND Thành phố xem xét, thông qua làm nghị quyết triển khai thực hiện năm 2023 và các năm tiếp theo. Đáng chú ý, theo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, năm 2022, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội Thành phố đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Thành phố dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Trong đó, kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao, dự kiến tăng 6,8% so với dự toán.

 Tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”

 Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, tiền đề quan trọng để Thủ đô đạt được những kết quả tích cực như trên là Thành phố đã chủ động thực hiện, cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nổi bật là thực hiện nhuần nhuyễn nhiệm vụ thích ứng an toàn, thiết lập trạng thái bình thường mới, mở cửa hoàn toàn để phục hồi phát triển kinh tế từ giữa tháng 3/2022. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền sâu sát, phù hợp với thực tiễn, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ Thành phố xuống cơ sở, từ trong Đảng, chính quyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, kết quả Thành phố đạt được năm 2022 không chỉ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mà đặc biệt còn hoàn thành những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, xây dựng cơ sở định hướng chiến lược, lâu dài cho Thủ đô phát triển như: Báo cáo, đề xuất và được Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; ban hành nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; quyết định đầu tư mạnh vào 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền...

 Lưu ý bối cảnh, tình hình và dự báo những khó khăn, thách thức to lớn đặt ra đối với Thành phố trong năm 2023, sang 2023, khả năng còn khó hơn năm 2022, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố hoàn thiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm tới theo hướng tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” nhằm tăng cường, siết chặt kỷ cương hành chính, huy động sức mạnh tổng hợp nhằm thúc đẩy quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, các dự án trọng tâm, trọng điểm; những vấn đề còn tồn tại, những nhu cầu bức thiết mà đời sống nhân dân đang đặt ra như: Cung cấp nước sạch sinh hoạt, xử lý rác thải, nước thải...

 Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, bao phủ trong năm 2023 là phải tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tất cả phải nhằm tạo thuận lợi thực sự cho doanh nghiệp. Trong đó, vừa qua, Thành phố đã đi sâu cải cách thủ tục hành chính ở Văn phòng UBND Thành phố, tới đây, phải tập trung, đi sâu tháo gỡ về thủ tục hành chính ở các sở, ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch và Kiến trúc; có biện pháp công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp giám sát.

 “Vừa qua, Thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, nhưng cũng mới chỉ là bước đầu và tới đây còn phải làm mạnh hơn nữa. Tôi đề nghị trước hết phân cấp, ủy quyền phải thực chất. Các cơ quan thực hiện phải quy trình hoá, cụ thể, rõ trách nhiệm để tránh đùn đẩy, né tránh; phải gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật ngân sách”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.  Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý, để tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bên cạnh động viên kịp thời những tấm gương điển hình tiêu biểu, phải nghiêm khắc xử lý những trường hợp yếu kém, trì trệ. Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có kế hoạch, giải pháp đánh giá cán bộ để thực hiện điều này.

 Làm rõ đặc trưng văn hiến trong điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

 Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp cho ý kiến về chủ trương, nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.  Sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố và các ý kiến thảo luận, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy kết luận nội dung này, đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện nội dung báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.

Trong đó, cần lưu ý một số vấn đề quan trọng, trước hết, đặc trưng, đặc thù của Thủ đô Hà Nội đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Trung ương thường xuyên lưu ý và đã được nêu đậm nét trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại. Nội dung này cần được làm rõ nét, nổi bật từ quan điểm, mục tiêu, phương hướng và từng nội dung bên trong của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó làm rõ cụ thể bảo tồn khu vực nào, phát triển ra sao.

Nội dung quan trọng khác là phải tính toán khoa học, chính xác về dân số cơ học của Thành phố hiện nay, dự báo khả năng gia tăng trong tương lai, cũng như xác định phương án sức tải tối đa về dân số của hệ thống hạ tầng đô thị của Thủ đô để có phương án quy hoạch tương xứng, phù hợp đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển bền vững, lâu dài của Thủ đô; đồng thời, khắc phục những bất cập về quá tải hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội hiện nay; tập trung quy hoạch thật tốt các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; cân đối giữa quy hoạch đô thị và nông thôn; làm đậm hơn, rõ nét tính chất đối ngoại hội nhập quốc tế trong quy hoạch; bổ sung công trình văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; các nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ, nhà tái định cư; quy hoạch  hai bên tuyến đường như thế nào...

 Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, việc điều chỉnh càng phải cẩn trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, lâu dài cho Thủ đô phát triển theo mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra./.

 

Trọng Toàn

Link nội dung: https://www.doanhnghiepkinhtexanh.vn/ha-noi-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-thao-go-kho-khan-de-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-phat-trien-a11175.html