Những thói quen biến người bình thường thành lãnh đạo

Nếu cho rằng tất cả CEO thành công đều từng được đào tạo tại các trường đại học hàng đầu hay đã đặt mục tiêu trở thành lãnh đạo từ sớm, thì điều đó chưa hẳn đã chính xác. Chính những thói quen dưới đây mới là yếu tố góp phần định hình phong cách một người lãnh đạo.
lanhdao-2049-1696233259.webp
Những thói quen biến người bình thường thành lãnh đạo.

Ra quyết định nhanh và dứt khoát

Theo 2 nhà nghiên cứu, các CEO giỏi thường là những người rất quyết đoán và cũng nhờ đó mà họ có xác suất đạt thành tựu cao hơn khoảng 12 lần. Một minh chứng cho điều này được Botelho và Powell tìm thấy là Steve Gorman, cựu CEO của Greyhound. 

Vào năm 2003, thời điểm Gorman tiếp quản Greyhound, công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách này đang chịu cảnh thua lỗ. Thêm vào đó, công ty mẹ của Greyhound, nơi vừa ngấp nghé bờ vực phá sản, cũng đang rục rịch muốn giải thể nó. Suốt 4 tháng sau khi nhậm chức, đầu của Gorman như muốn nổ tung bởi hàng loạt kế hoạch cứu vớt công ty được đề xuất, rồi lại bị bãi bỏ sau ít lâu từ phía các quản lý cấp cao. Rốt cuộc, vị tân CEO cũng chịu không nổi và quyết định không thể chần chừ thêm nữa.

Giữa một núi thông tin thu thập được để "cứu" công ty, có một tấm bản đồ chụp bằng vệ tinh, trong đó phản ánh mật độ dân số thông qua điểm tập trung của tất cả các trụ đèn tín hiệu giao thông trên cả nước. Dù không chắc chắn 100% về quyết định của mình, song Gorman đã ngay lập tức thay đổi các tuyến xe của Greyhound, đặt lộ trình xe chạy xung quanh những khu vực đông dân cư nhất dựa trên tấm bản đồ này. Và, kế hoạch của Gorman đã phát huy tác dụng.

Tới năm 2007, thời điểm Gorman rời Greyhound, lợi nhuận của công ty này đã ở mức 30 triệu USD và nó được bán với giá gấp đôi so với giá trị hồi năm 2003. Khi xem xét câu chuyện của Gorman, Botelho và Powell giải thích rằng, vị CEO có thể tiến lên phía trước không phải vì biết trước kế hoạch sẽ thành công, mà vì anh nhận thức được rằng việc ra quyết định dứt khoát, dẫu có rủi ro, vẫn tốt hơn hẳn việc chần chừ và không đưa ra bất cứ quyết định nào.

Truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho người khác

Để trở thành CEO xuất sắc, dứt khoát bạn phải tích cực trong việc tương tác và truyền lửa cho nhân viên, nhờ đó thúc đẩy họ mang lại kết quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này không đơn giản chỉ nằm ở việc cư xử hoà nhã hoặc khiến người khác thích mình. Trên thực tế, một CEO "dễ thương" lại có thể trở thành "vật cản" cho tổ chức, vì khi đó, họ sẽ quá chú tâm vào việc khiến cho nhân viên đồng ý với mình, hơn là thúc đẩy nhân viên đạt kết quả tốt.

Và, để người khác cảm thấy bị cuốn hút với ý tưởng và nội dung bạn muốn truyền đạt, có 3 điều cần thiết phải làm, đó là chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu và bày tỏ một cách tỏ tường về ý định của bạn; Thấu hiểu các nhu cầu về mặt thể xác, tình cảm và cả nhu cầu tài chính của cấp dưới, vì chính họ là những người sẽ mang lại kết quả cho bạn; Tạo ra những thói quen hằng ngày để hình thành và xây dựng tốt các mối quan hệ. Chính chúng sẽ giúp thúc đẩy nhân viên hành động và mang lại kết quả cho việc kinh doanh.

Sở dĩ Steve Jobs có thể xây dựng nên một Apple như ngày hôm nay, là bởi vì vị CEO quá cố này rất biết cách tương tác cũng như truyền lửa cho nhân viên, yếu tố quan trọng đã giúp họ nảy ra nhiều ý tưởng mới. Willie Pietersen, giáo sư tại Columbia Business School và đồng thời là tác giả cuốn sách Strategic Learning: How to Be Smarter Than Your Competition and Turn Key Insights into Competitive Advantage, cho biết: "Trong nhiều trường hợp, Jobs khá là khắc nghiệt và đối xử có phần không tốt đối với người khác. Tuy nhiên, mọi người lại cho qua việc này, vì họ cảm nhận được sự xuất chúng của Jobs cũng như cảm thấy hào hứng và phấn khích khi được sát cánh bên cạnh một bộ óc tuyệt vời như thế".

Giữ phong độ ổn định

Theo 2 nhà nghiên cứu, các CEO thường xuyên giữ vững phong độ và triển khai thành công các kế hoạch một cách đều đặn được đánh giá rất cao. Họ sẽ được nhận định là những người đáng tin cậy. Nên nhớ, ở đây, chúng ta chưa bàn tới độ lớn, nhỏ của kế hoạch mà chỉ nói về sự ổn định trong việc thực thi kế hoạch mà thôi. Và, khi đã được nhận định là người đáng tin cậy, xác suất được mời làm việc cũng tăng gấp đôi.

Tỷ phú Richard Branson cũng không là ngoại lệ, khi ông quyết định đặt niềm tin vào Brett Godfrey, nhân viên cấp dưới của mình để thành lập nên Virgin Australia. Hãng hàng không Virgin Australia chính là đứa con tinh thần của Brett Godfrey. Theo Branson, khi làm việc chung, ông đã ngay lập tức thích Godfrey, vì anh là một người tỉ mỉ, chăm chỉ, dễ gần và đáng tin cậy. Thế nên, khi Godfrey đề xuất ý tưởng mở công ty hàng không ngay tại quê nhà của mình, Branson đã gật đầu đồng ý. Vào năm 2000, Virgin Australia đã chính thức bước chân vào thị trường hàng không với Godfrey làm CEO cho đến tận năm 2010.

Thích nghi với hoàn cảnh

Botelho và Powell cho rằng: "Để thành công, người lãnh đạo cần phải biết học cách thích nghi với môi trường mới". Hai nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những cái tên như Kodak, Blockbuster và Borders chuốc lấy thất bại là vì các lãnh đạo của họ đã không biết thích nghi. Nghiên cứu cho thấy, các CEO có khuynh hướng thích nghi tốt thường cảm thấy thoải mái, lạc quan trong tình huống vốn dĩ "khó có thể thoải mái được".

Các CEO này nhận thức được sự thật rằng cảm giác không thoải mái luôn đi kèm với sự thay đổi cũng như cơ hội học hỏi cái mới. Thêm nữa, các CEO có khả năng thích nghi tốt thường là những người biết tập trung vào tương lai, điển hình trong số đó là Jeff Bezos. Khi mới ra đời vào năm 1994, Amazon chỉ bán sách. Sau này, Bezos đã mở rộng sang lĩnh vực âm nhạc và video trước khi hỏi các khách hàng của mình về việc họ muốn công ty bán những sản phẩm gì.

Ngày hôm nay, gần như không có thứ gì mà Amazon không bán, từ đồ điện tử cho đến quần áo. Gã khổng lồ thương mại điện tử thậm chí còn thâu tóm cả Whole Foods và đang lên kế hoạch ra mắt dịch vụ giao hàng của riêng mình, theo thông tin từ tờ The Wall Street Journal.

Jeff Bezos chia sẻ: "Chúng tôi đầu tư cả vào các sáng kiến mang tính rủi ro cao trong thời gian từ 5 - 7 năm, điều mà phần lớn công ty không làm". Chính sự kết hợp giữa một tầm nhìn dài hạn và việc chấp nhận rủi ro đã khiến cho Amazon trở nên đặc biệt.

Minh Hà (T.H)