Minh bạch hàng nông sản qua truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số của ngành. Để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, Hợp tác xã và nông dân.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, cả nước hiện có 19.000 Hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1, đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp.

Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc phải thực hiện một cách tổng thể để có thể bao quát được dữ liệu khổng lồ. Vai trò của quản lý nhà nước là phục vụ và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, qua đó nâng cao tính minh bạch của các ngành hàng nông sản, đem lại quyền lợi cho nông dân với tư cách là người sản xuất.

Về các giải pháp cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, chuyên gia về chuyển đổi số kiến nghị, cần có các cơ chế, và hành lang pháp lý tạo điều kiện để làm sống ứng dụng bởi bất kỳ phần mềm nào cũng cần thời gian vận hành và xây dựng dữ liệu.

Bên cạnh đó, phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình trong chuỗi giá trị nông sản.

z2553991874469-db256948417f7f9bdf1cadd46712d80e-1679198432.jpeg

Minh bạch hàng nông sản qua truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh minh hoạ.

“Xây dựng truy xuất nguồn gốc để nâng cao tính minh bạch và giải trình của 01 ngành hàng, sản phẩm nông sản của 01 doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của nông dân (người trực tiếp sản xuất). Những điều này hướng đến việc truy xuất nguồn gốc hay hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà phải trở thành trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của nền nông nghiệp”, vị chuyên gia này cho biết thêm.

Người tiêu dùng cho rằng, việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp là cần thiết và phải làm ngay. Vì hiện tại, nhiều sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam được sản xuất tại Việt Nam nhưng chính nông dân đã trà trộn nông sản Trung Quốc để bán và lấy mác là nông sản Việt Nam. Rau, củ ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bị phanh phui là một ví dụ điển hình.

Người tiêu dùng cần truy xuất còn người nông dân/người sản xuất cần trung thực, tránh tình trạng nhập sản phẩm từ nơi khác về nhưng lại nói là do nông dân bản địa trồng, sản xuất để bán kiếm lời.

Bộ NN&PTNT cần xây dựng chế tài xử lý đối với người buôn bán, kinh doanh lợi dụng nông sản Việt, bán nông sản không nguồn gốc như tình trạng ở Đà Lạt để lành mạnh hóa thị trường, để người nông dân cần phải có trách nhiệm xã hội với sản phẩm mình làm ra và chính là đảm bảo quyền lợi cho nông dân sản xuất./.

Thi Nguyên (t/h)