Doanh nghiệp và bài toán thúc đẩy năng suất lao động

Tăng năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu là nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn vừa qua, NSLĐ của Việt Nam cũng có những cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 trước đó. Năm 2021, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là nước có mức NSLĐ thấp và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phân tích rõ hơn về hạn chế này, tại hội thảo "Thúc đẩy NSLĐ cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam", TS Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù NSLĐ thấp nhưng tốc độ tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu. Trong khi đó, NSLĐ của khu vực công nghiệp - xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. NSLĐ của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.

Về chính sách, TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh, Việt Nam đã hình thành khung chính sách tương đối đầy đủ, là nền tảng cho cải thiện NSLĐ. Tư duy chính sách về mô hình, hoạt động kinh tế mới bước đầu hoàn thiện, nhấn mạnh đến NSLĐ, đổi mới sáng tạo và động lực cho doanh nghiệp. Tuy vậy, chính sách chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp thực hiện các giải pháp cải cách hướng đến cải thiện NSLĐ. Vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm thực hiện thực chất, hiệu quả và nhất quán chưa được xác định cụ thể.

ac26ac9ccd8514db4d94-1669708914.jpg
Hội thảo "Thúc đẩy NSLĐ cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Ảnh: Hương Lan.

Lại nói, doanh nghiệp đối mặt với nhiều rào cản trong thúc đẩy NSLĐ. Đó là sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư. Chất lượng nguồn lao động được cải thiện nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp (22,6%), kỹ năng lao động còn hạn chế. Do đó, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng NSLĐ.

Trong bối cảnh, gia tăng ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang dần hình thành và hoàn thiện. Việt Nam cũng đã tham gia vào chuỗi giá trị về sản phẩm công nghệ cao, nhưng chủ yếu lắp ráp linh kiện, công nghệ ít phức tạp và thông qua doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, tiêu chuẩn về đổi mới sáng tạo ở khía cạnh phổ biến và khám phá đều ở mức dưới kỳ vọng; đầu tư cho khoa học - công nghệ ở mức khiêm tốn - TS Đặng Đức Anh cho biết thêm.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng NSLĐ bình quân từ 6,5 - 7%/năm, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đứng trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ, CIEM kiến nghị cần thúc đẩy NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, phân cấp quản lý.

Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, bao gồm công nghệ số, và phát huy đổi mới sáng tạo để tăng NSLĐ. Đẩy nhanh quá trình chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức. Ngoài ra, cần nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về NSLĐ quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 để thúc đẩy và điều phối xử lý các vấn đề liên ngành đối với NSLĐ.

Hương Lan