Nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hiện nay nhiều tỉnh thành trên cả nước đã xây dựng các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng cuối năm.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề, để phục vụ nhu cầu người dân mua sắm Tết, nhiều cơ sở trên địa bàn Cần Thơ đã tăng tốc sản xuất gắn với đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, Sở Công thương TP Cần Thơ đã xây dựng nhiều chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng cuối năm.

Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở đã xây dựng và trình UBND thành phố ban hành Quyết định về Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2022, Tết Nguyên đán trên địa bàn thành phố.

Đến nay, đã có 17 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn với tổng giá trị hàng hóa dự trữ là hơn 2.236 tỷ đồng, phục vụ trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị cho 3 tháng cuối năm nay là 998 tỷ đồng, còn 3 tháng đầu năm là 1.237 tỷ đồng.

binh-on-gia-1670404759.jpg
Đến nay có 17 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn với tổng giá trị hàng hóa dự trữ là hơn 2.236 tỷ đồng, phục vụ trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 03/2023. (Ảnh: VOV)

Được biết, các mặt hàng dự trữ chủ yếu gồm nhóm hàng là: lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước uống, giải khát, sản phẩm phục vụ nhà bếp… với 16 doanh nghiệp đăng ký. Bên cạnh đó, có 2 doanh nghiệp đăng ký dự trữ khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh và quần áo may mặc với giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho hay, Cần Thơ vừa tổ chức “Tuần lễ Tinh hoa hàng Việt và siêu khuyến mại năm 2022” nhằm đẩy mạnh kết nối giao thương, tạo kênh mua sắm hàng hóa chất lượng, giá rẻ cho người dân chuẩn bị cho mùa lễ, Tết cuối năm. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức những chương trình góp phần kích cầu hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa phục vụ cho sản xuất, tiến tới thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh kênh mua sắm hiện đại, truyền thống và mong muốn cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa chất lượng, giá hợp lý và được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi.

Ghi nhận cho thấy, tỉnh Kon Tum cũng đã triển khai chương trình "Bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023" nhằm đảm bảo nguồn cung không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.

Theo đó, Chương trình "Bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023" do UBND tỉnh Kon Tum triển khai đã có 2 đơn vị đăng ký tham gia, gồm Siêu thị Co.op Mart và Siêu thị Win Mart. Hai đơn vị này thực hiện dự trữ lượng thực phẩm công nghệ, lương thực, thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến có tổng trị giá 53 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hai đơn vị này cũng tổ chức hình thức bán hàng bằng xe lưu động tại 2 xã vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum là xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông và xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei.

Hoàng Hà (t/h)